Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
​Danh thắng nơi địa đầu Tổ quốc


Trong hành trình về nguồn nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chúng tôi đã ghé thăm danh thắng nổi tiếng thế giới ở địa đầu Tổ Quốc, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, vùng đất giàu truyền thống cách mạng vinh dự được đón Bác trở về lãnh đạo kháng chiến sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

 

Thác Bản Giốc - cái tên đã in sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường - hùng vỹ hiện ra trước mắt mọi người trong tâm trạng vừa xúc động vừa tự hào. Biết bao máu xương của bao thế hệ con dân đất Việt đã đổ xuống trong lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất này? Dấu chân Bác như vẫn còn đâu đây trên dải đất biên cương thiêng liêng này!


3320.jpg

(Toàn cảnh thác Bản Giốc)

 

Bản Giốc là một thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi.


3320-5.jpg

(Thác phụ, nằm hoàn toàn trên đất Việt Nam)


Thác Bản Giốc được chia thành 2 nhánh. Nhánh lớn với độ cao thấp, chảy qua từng bậc đá vôi thấp. Nhánh còn lại nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, chảy hiền hòa giống như mái tóc của nàng thiếu nữ biên ải.

 

Thác Bản Giốc nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Thác cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km.


3320-10.jpg

(Sơ đồ mô tả đường biên giới đi qua thác Bản Giốc)


Thác Bản Giốc bao gồm cả thác chính và phụ với tổng chiều rộng là 208m, được chia thành hai phần, phần ở phía Nam gọi là thác Cao, đây là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác Thấp là thác chính nằm ở phía Bắc trên biên giới Việt Trung. Là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brasil - Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia - Zimbabwe; và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ).


3320-15.jpg

(Vẻ đẹp kỳ vỹ của thác nước biên giới lớn thứ tư trên thế giới)


Về thủy lưu, thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (âm Hán Việt là "Quy Xuân hà"). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.

 

Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng. Dưới chân thác là mặt sông rộng với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng. Cách thác khoảng hơn 5 km có động Ngườm Ngao, dài 3 km.

 

Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt-Trung. Cột mốc này được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999 là cột mốc 53 do Pháp - Thanh xây dựng. Theo hiệp ước 1999, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam, phần thác chính chia đôi.


3320-20.jpg

(Cồn đất trên lòng sông dưới thác, thuộc địa phận Việt Nam)

 

Một tin vui cho toàn thể Phật tử và mọi người dân đất Việt, Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

 

Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc được xây dựng nguy nga và khang trang trên ngọn núi Phia Nhằm, thuộc bản Giốc, xã Đàm Thủy, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Từ trên chùa có thể nhìn bao quát được toàn bộ Thác Bản Giốc và một vùng không gian rộng lớn phía dưới.


3320-25.jpg

(Chùa Trúc lâm Bản Giốc)

 

Về nguồn gốc tên gọi của thác, chuyện xưa có kể rằng, có một người con gái Tày đẹp nhất của Bản Giốc được chàng Hoàng tử đem lòng yêu mến. Nhưng người con gái này lại đem lòng yêu một chàng trai bản bên. Nàng đã từ chối tình yêu của chàng Hoàng tử. Chàng Hoàng tử đã giận dữ sai người đi bắt cô gái đem về cung giam lại.

 

Biết chuyện, chàng trai người yêu của cô đã bất chấp mọi nguy hiểm đi tìm và cứu được người yêu. Đôi trai gái đã trốn thoát sau những ngày dài gian khổ. Khi về đến Bản Giốc, nơi trước kia họ gặp gỡ và yêu nhau thì cũng là lúc tối trời. Chàng trai và cô gái đã dừng lại khe suối ở bìa rừng để nghỉ ngơi. Vì sau nhiều ngày dài chạy trốn vất vả, cả hai đều kiệt sức, rồi lịm đi trong những vô vàn hồi tưởng về những kỷ niệm hạnh phúc ngọt ngào khi mỗi lần được ở bên nhau. Điều kỳ lạ là ngay sau ngày đôi trai gái trốn thoát khỏi nhà Hoàng tử thì trời có mưa liên tục tạo thành trận đại hồng thủy. Đến khi mưa tạnh, người ta thấy xuất hiện hai ngọn thác lớn ngày đêm miệt mài tung bọt nước trắng xóa ở khe suối, bìa rừng. Phía dưới chân thác, dòng nước lại trong xanh đến hiền hòa. Để tưởng nhớ mối tình thủy chung đầy bi thương của đôi trai gái, người dân đã đặt tên thác là Bản Giốc.

 

Ngày nay, hai bên dòng thác đang ngày đêm tung bọt trắng trời là mốc đôi 836 (1) và 836 (2) cắm hai bên Việt Nam và Trung Quốc. Đường biên giới phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Khi đứng bên cột mốc thiêng liêng của Tổ Quốc trong lòng chúng tôi trào dâng niềm tự hào về nền độc lập chủ quyền của dân tộc mà Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã kiên trì đấu tranh với biết bao hy sinh, gian khổ mới giành lại được. Lòng tự nhủ lòng mãi mãi khắc ghi lời Bác dạy, đoàn kết một lòng để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!


3320-30.jpg

(Cột mốc phụ 836 (2)- trên phần đất thuộc chủ quyền của Việt Nam, đối diện phía bên kia là cột mốc phụ 836 (1) trên đất Trung

Quốc và ở giữa sông Quây Sơn là mốc chính)

 

Ban Tuyên Giáo Long Thành

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​