Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
​Miền Nam nhớ Bác


Cứ mỗi dịp tháng Năm về, hòa trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm sự kiện các ngày lễ lớn, mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng cảm xúc nhớ Bác Hồ khôn nguôi - vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

 

Sinh thời, Bác luôn dành những tình cảm đặc biệt sâu nặng cho đồng bào miền Nam. Người khẳng định: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Vì thế nên, Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”.

 

Thương miền Nam “đi trước, về sau”, Bác luôn quan tâm, theo dõi, động viên từng bước tiến triển của cách mạng miền Nam. Năm 1952, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sỹ và cán bộ ta”.

 

Nói về tấm lòng nhớ thương miền Nam của Bác, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng chia sẻ: “Trong lòng Bác, đồng bào miền Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Những lúc vui mừng nhất của Bác là lúc nhận được tin chiến thắng ở miền Nam. Và nghĩ đến những đau khổ của đồng bào miền Nam là Bác bùi ngùi thương xót vô cùng. Bác luôn luôn ghi nhớ những chiến công của các chiến sỹ miền Nam. Lúc tiếp khách nước ngoài Bác thường đem những chiến công đó kể với khách và niềm sung sướng làm nét mặt Bác tươi tắn hẳn lên. Lúc đọc những lời kêu gọi như thư chúc Tết, Bác biết rất rõ đồng bào và chiến sỹ miền Nam càng lắng nghe Bác với tất cả tâm hồn của mình, hình như Bác đang nói với mình”.

 

Trong vườn Bác tại Khu Phủ Chủ tịch có rất nhiều loài cây được Bác yêu quý, thường xuyên chăm sóc, trong đó phải kể đến cây vú sữa và hai cây dừa do chính đồng bào miền Nam gửi tặng Bác. Bác trồng hai loài cây này ở bên cạnh Nhà sàn của Bác để hàng ngày Bác được nhìn ngắm, chăm sóc, giúp nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ miền Nam.

 

Với Bác, “hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim”. Mỗi khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra Bắc, dù đi công tác, đi họp, học tập hay chữa bệnh, Bác đều cố gắng sắp xếp thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi. Ngay cả khi sức khỏe đã giảm sút, nhưng "bao giờ cũng vậy, gặp các cô, các chú, các cháu trong Nam ra, Bác cũng vô cùng sung sướng và thấy khoẻ ra".

 

Được vào miền Nam là nguyện vọng da diết trong những năm cuối đời của Bác. Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam. Những năm tháng trước khi Người đi xa, Bác vẫn đi bộ, tập leo dốc. Bác kiên trì rèn luyện để thực hiện ý định vào thăm đồng bào và chiến sỹ miền Nam. Có lúc Bác đã tự vạch ra phương án tỉ mỉ cho chuyến đi này. Bác còn viết thư cho đồng chí Lê Duẩn đề nghị sửa một chữ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị là để Bác vào miền Nam từ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn... Nhưng nhận thấy sức khỏe của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy và hứa sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác. Bác đã rất buồn… miền Nam vẫn là niềm trăn trở, nhớ thương khôn nguôi trong tim Bác.

 

Yêu thương đồng bào và chiến sỹ miền Nam phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh trong cuộc kháng chiến nên Bác luôn luôn trăn trở vì mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với miền Nam. Cho nên, Bác từ chối mọi phần thưởng cao quý mà Quốc hội nước ta và bè bạn quốc tế trao tặng. Năm 1963, Quốc hội Khóa II quyết định trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, nhưng Bác đề nghị: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì dân ta sẽ sung sướng, vui mừng. Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, Chính phủ Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, Bác cũng đề nghị hoãn việc trao Huân chương, chờ đến ngày nhân dân Việt Nam đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam.


3324.jpg

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13/2/1969)

 

Những giờ phút cuối trước khi về cõi người hiền, Bác muốn được uống nước dừa miền Nam từ cây dừa do đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác, với nỗi niềm: “Bác quê ở Nam Đàn nhưng mẹ Bác mất chôn ở Huế, cha Bác mất chôn ở tận Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…”. Bác đã nhấp được một chút nước dừa để mang theo mình chút nước ngọt mát và ấm lành của miền Nam trước khi từ biệt thế giới này... Bác của chúng ta là vậy đó, vĩ đại mà giản dị, gần gũi đến lạ thường. Trong trái tim Người không lúc nào nguôi nỗi nhớ thương miền Nam. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, đồng bào miền Nam và Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng vẫn mãi mãi còn lại trong trái tim vĩ đại của Người.

 

Đền đáp lại tình cảm yêu thương của Bác, đồng bào và chiến sỹ miền Nam luôn luôn khắc sâu hình ảnh Người trong trái tim mình, hướng về Người với nỗi nhớ mong da diết, tâm niệm những lời Bác dạy, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, khó khăn, anh dũng chiến đấu, quyết chiến quyết thắng xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc" Bác đã tặng cho nhân dân miền Nam, với tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" Người tặng phụ nữ miền Nam, sớm hoàn thành sự nghiệp cách mạng để được đón Bác vào thăm.

 

Nhưng tiếc thay đồng bào và chiến sỹ miền Nam đã không chờ đợi được ngày đón Bác kính yêu vào thăm. Bác qua đời khi cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn kháng chiến cam go, ác liệt. Sự ra đi của Người là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy như càng da diết hơn, day dứt hơn với tất thảy đồng bào và chiến sỹ miền Nam, bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó - sứ mệnh giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm dải đất luôn luôn nhức nhối trong trái tim của Người.

 

Được tin Bác đã đi xa, cùng với đồng bào cả nước, đồng bào và chiến sỹ miền Nam đã cùng nhau để tang Người. Những bàn thờ, đền thờ, nhà thờ Bác được dựng lên rộng khắp, từ vùng giải phóng, các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam để tưởng niệm Bác, bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy. Thế mới thấy tấm lòng, tình cảm đặc biệt của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Nén nỗi đau thương mất mát tột cùng vì Bác đã ra đi, với tinh thần quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh, cả nước đã đồng lòng, đồng sức, từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi đều chung ý chí: Tất cả vì miền Nam ruột thịt!, với quyết tâm "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để Bắc - Nam sum họp một nhà.

 

Ý chí, tinh thần tấn công đó đã góp phần quan trọng cho thắng lợi của chiến dịch mùa Xuân 1975 sau này. Chiến dịch lịch sử 30/4/1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tự hào đã thực hiện được trọn vẹn Di chúc của Bác: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

 

HC - BTG Tổng hợp

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​