Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu,
hiện đã có 49 hãng hàng không nước ngoài thuộc 23 quốc gia - vùng lãnh thổ khai
thác 54 đường bay đi/đến Việt Nam.
5 hãng hàng không Việt Nam (với đội tàu bay
đạt 101 chiếc), chủ yếu là Vietnam Airlines đã khai thác 45 đường bay quốc tế
đến 26 thành phố của 15 quốc gia - vùng lãnh thổ và 40 đường bay quốc nội đi
đến 21 cảng hàng không trải dài trên toàn quốc. Riêng Cảng hàng không quốc tế
(CHKQT) Tân Sơn Nhất năm 2012 đạt 17,5 triệu lượt khách, chiếm gần 47% tổng
lượng khách qua các CHK Việt Nam. Tân Sơn Nhất nằm trọn trong Tp. Hồ Chí Minh,
trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, có tốc độ tăng trưởng bình quân
trong 10 năm (2002-2012) là trên 10%, nhưng hạ tầng cơ sở rất hạn chế, đặc biệt
chỉ có 2 đường hạ cất cánh cách nhau 365m, năng lực thông qua chỉ 25 triệu /năm
và sẽ quá tải sau năm 2020, không có khả năng làm được đường cất hạ cánh thứ 3.
Trong Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày
24/10/1997 quy hoạch mạng CHK, sân bay toàn quốc và Quyết định số 21/QĐ-TTg
ngày 08/01/2009 quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và
tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phát triển CHKQT Long
Thành thành CHK trung chuyển trong khu vực và thế giới.
Thực hiện quy hoạch trên, Bộ GTVT, ngành
hàng không đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thuê chuyên gia
nước ngoài nghiên cứu, đánh giá điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, sự phát
triển giao thông hàng không của Việt Nam và khu vực để báo cáo Chính phủ quyết
định phê duyệt quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Long Thành với vai trò là cảng HKQT
trung chuyển với công suất 80-100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng
hóa/năm (Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/06/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể
CHKQT Long Thành).
Trong quy hoạch tổng thể, các nhu cầu phát
triển qua từng giai đoạn của Long Thành đã được phân tích, đánh giá dựa
vào các nhu cầu của thị trường, đặc biệt là sự phát triển của khu vực kinh tế
trọng điểm phía nam. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nhấn mạnh: “Chính phủ và Bộ GTVT
nhận thấy sự cần thiết phải triển khai xây dựng CHKQT Long Thành sớm và đặt mục
tiêu hoàn thành sau năm 2020 để hỗ trợ cho Tân Sơn Nhất đã quá tải vào thời
điểm đó và thay thế Tân Sơn Nhất vào những năm sau”.
Theo báo cáo của Ủy
ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, phân khu chức năng vào năm 2005. Dự án
được đầu tư nằm trên địa giới hành chính của 6 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh
Đồng Nai, với diện tích 5.000ha.
Mục tiêu của dự án là
xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế
cấp F4, có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng
mức đầu tư của dự án là 18,7 tỷ USD chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2025 xây dựng cảng
hàng không quốc tế Long Thành đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2
triệu tấn hàng hóa/năm với 2 đường cất hạ cánh song song. Khi đưa vào sử dụng
cảng hàng không trong giai đoạn này sẽ hỗ trợ sự quá tải của Cảng hàng không
Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 đến năm 2030 sẽ
xây dựng đường cất hạ cánh thứ ba và nhà ga thứ 3 với công suất 50 triệu hành
khách/năm. Giai đoạn 3 sau năm 2030,
xây dựng đường cất hạ cánh thứ tư, nhà ga thứ tư với công suất 100 triệu hành
khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi triển khai, Dự án
sân bay quốc tế Long Thành sẽ ảnh hưởng đến khoảng 4.540 hộ dân với trên 14.400
nhân khẩu. Theo điều tra của tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện nay có 99,9% số
hộ dân có ý kiến đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án cảng hàng không quốc
tế Long Thành, chỉ có 25 ý kiến không ủng hộ. Đồng thời, các hộ dân được điều
tra cũng thể hiện nguyện vọng mong muốn dự án sớm được triển khai thực hiện để
người dân ổn định cuộc sống. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết nguồn kinh
phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân
và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án là 13.097 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 của
dự án có diện tích thu hồi đất là trên 2.500ha thuộc địa bàn 4 xã Bình Sơn,
Long An, Suối Trầu và xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Giai đoạn này sẽ có
1.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng giai
đoạn này là trên 5.000 tỷ đồng.
Trong tương lai đối với khu vực châu Á: Việt Nam được đánh giá có vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị quan trọng trong khu vực. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí là trung tâm của ASEAN, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá trong khu vực. Minh chứng mới nhất: Chính phủ Việt Nam đã khởi công Cảng trung chuyển Vân Phong với tổng mức đầu tư lên đến 7 tỷ USD trong tháng 10/2009. Trong vòng 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Khu vực Đông Nam Bộ chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, lượng vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn…
Với tầm quan trọng như đã nêu ở trên muốn thực hiện được dự án phải có sự thống nhất cao trong nhận thức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là một tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền trong nhân dân và có sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với dự án. Từ đó, sẽ thực hiện thành công dự án và góp phần vào việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
PTC.
BTGHU - tổng hợp