Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau…”

Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động  cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm, chăm lo đến thế hệ trẻ, đặc biệt là công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng họ thành lớp người thừa kế, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân tộc Việt Nam, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và cần thiết… Đảng  và Nhà nước cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng đoàn viên, thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ Nghĩa Xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Vì vậy, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạnh, Đảng và Bác Hồ luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người; coi việc chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.


3559.jpg 

 

Sinh thời, Bác thường ví thanh thiếu niên là “mùa xuân của tuổi trẻ…mùa xuân của xã hội”, “là tương lai, tiền đồ của nước nhà” và Người sớm nhận rõ vị trí, vai trò của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác đã coi việc thức tỉnh thanh niên, kêu gọi họ đứng lên cùng đồng bào cả nước đánh đuổi quân xâm lược bằng việc đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Vì theo Người, thế hệ trẻ không những là lớp người kế tục, tiếp bước các thế hệ già, mà còn là tương lai, tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Với ưu thế là lớp người trẻ tuổi, có sức khỏe, nhiệt tình, hăng hái, ham hiểu biết, ham tiếp thu cái mới, giàu sức sáng tạo. Thế hệ trẻ Việt Nam có đủ các điều kiện để “dời non, lấp bể”, làm nên sự nghiệp cách mạng. Vì thế, sự phát triển lâu dài của đất nước rất cần có sự giúp đỡ của thanh niên; phụ thuộc một phần lớn vào thanh niên và công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước ta. Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Người, không ít lần, Bác khẳng định: Thanh thiếu niên là người làm chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh thiếu niên và sự tiến bộ của họ. Cũng vì thế, Bác luôn căn dặn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khuyên bảo thanh thiếu niên: Các cháu muốn thực sự làm chủ tương lai nước nhà thì ngay hiện tại “phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”.


3559-5.jpg


Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1925, Bác trở về Quảng Châu - Trung Quốc để chuẩn bị chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Ở đây, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập, Bác đã lựa chọn những thanh niên ưu tú, có tinh thần cách mạng triệt để trong nước sang đào tạo, huấn luyện và sau đó trở về nước đi vào các phong trào quân chúng để lãnh đạo, giác ngộ và thức tỉnh nhân dân đứng lên làm cách mạng, phá ách xiềng xích nô lệ. Các bài giảng huấn luyện của Người sau này được tập hợp và in thành tác phẩm“Đường Kách mệnh” năm 1927. Từ tác phẩm này tới “Di chúc” thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta năm 1969 với 79 mùa xuân cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước, Bác luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ - người thừa kế, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân. Vì lẽ đó, Bác luôn yêu cầu cán bộ của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng phải thực sự quan tâm, chăm lo đến thanh thiếu niên; dành mọi ưu tiên và những gì là tốt đẹp nhất, có thể làm được để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh thiếu niên, coi đó là “cái vốn quý nhất” của cách mạng. Đồng thời, Người cũng nêu ra một số chủ trương và biện pháp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau như sau.

 

Bác đề cao vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương, mẫu mực, mẫn cán của đội ngũ cán bộ và các thế hệ cha, anh, những người đi trước – họ sẽ là tấm gương sáng cho thế hệ sau nối tiếp và noi theo. Mặt khác, thế hệ sau không được ỷ lại thế hệ trước. Theo Bác, thế hệ đi sau phải tiến bộ hơn thế hệ đi trước mới tốt, nếu thế hệ đi sau không bằng thế hệ đi trước, như thế là thụt lùi, là đáng phê bình. Và, đó cũng là khuyết điểm của người lớn tuổi, thế hệ cha anh. Vì vậy, dù bận trăm công ngàn việc, Bác đều dành thời gian quan tâm đến các cơ sở giáo dục và đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác giáo dục đào tạo; coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chiếm vị trí hàng đầu của việc phát huy nhân tố con người.


3559-10.jpg


Với chủ trương giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ để họ có đủ “đức” và “tài” đứng ra gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bác yêu cầu công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải toàn diện, đầy đủ các mặt: Đạo đức, lối sống, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ… Trong đó, Bác đặc biệt chú ý tới công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên - coi đó là cái “gốc rất quan trọng”. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, đi đúng con đường cách mạng mà Đảng vạch ra. Vì thế, Bác đã nêu câu hỏi: “Mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của thanh niên là gì?” và Người tự trả lời: Học tập, rèn luyên đạo đức cách mạng, nhận thức rõ ràng mục tiêu, lý tưởng phấn đấu để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Theo Bác, có đạo đức cách mạng, mục tiêu, lý tưởng phấn đấu là tốt nhưng như thế là chưa đủ để thanh niên trở thành chủ nhân thật sự của một đất nước tự do, độc lập. Vì vậy, họ cần được giáo dục, bồi dưỡng kỹ càng về mọi mặt để nâng cao trình độ chính trị, học vấn, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ… cũng như cách đối nhân, xử thế của người cách mạng. Đó không chỉ là điều kiện để biến khả năng hoạt động của họ thành hiện thực trong đời sống mà còn là hành trang cần thiết để họ vững tin bước vào đời, lập thân lập nghiệp.

 

Về biện pháp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, theo Bác “vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật”. Do vậy, trong giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu niên, phải “khéo” kết hợp giữa học tập với vui chơi, giải trí; dạy từ dễ đến khó. Một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa thời sự đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay là sự nêu gương của các thế hệ đi trước, của thầy giáo, cô giáo. Muốn vậy, phải ra sức xây dựng đội ngũ thầy giáo tốt, trường lớp tốt, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, mô phạm để thanh thiếu niên nhìn vào đó học tập, làm theo.

 

Ngày nay, trước sự suy thoái biến về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trước yêu cầu cấp bách đề ra, sự nghiệp giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau càng đặt ra và phải được quan tâm hàng đầu. Đây chính là khâu quan trọng, then chốt để đào tạo ra thế hệ lãnh đạo vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đủ tâm, tài, tầm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên, sánh vai với các cường quốc lớn trên thế giới. Hơn lúc nào, các cấp, các ngành và đoàn thể tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”, coi đây không chỉ là dịp để mọi người tự phê bình và phê bình, mà còn là ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước – những tấm gương sáng để tiếp tục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau của đất nước.


NH-VH&TT

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​