Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
Học tập và làm theo tư tưởng hồ chí minh về phát huy sức mạnh khối “đại đoàn kết dân tộc” trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, nhà chính trị kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, với những công lao to lớn cho sự phát triển của dân tộc và thời đại, Hồ Chí Minh đã được UNESCO phong tặng danh hiệu kép “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người mãi mãi là tấm gương sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Một trong những nét đặc sắc nổi bật được xem như phần kết tinh trong tư tưởng của Người là vấn đề sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được hình thành trên cơ sở tư tưởng, lý luận và thực tiễn phong phú, đó là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng trong cách mạng: Quần chúng ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó, là truyền thống yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng dân tộc Việt Nam được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh hoa truyền thống đoàn kết dân tộc được soi sáng bằng lý luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Người khẳng định: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc, đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng lớn”. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đoàn kết thống nhất, bằng tư duy chính trị nhạy bén của một nhà cách mạng lỗi lạc, Người khẳng định:

 

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Đây là tư tưởng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam và là quan điểm của Người về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc một cách sâu sắc. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, bởi theo Người: Sự nghiệp cách mạng tiêu diệt xã hội cũ, xây dựng xã hội mới với những lý tưởng và khát vọng cao đẹp là một “sự nghiệp khổng lồ” đầy gian khó, phức tạp, cần có sự phấn đấu không mệt mỏi, sự kiên trì và lòng dũng cảm, đức hy sinh của nhiều thế hệ cách mạng. Người chỉ rõ: “Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu cầu tự do hạnh phúc cho dân tộc”. Đoàn kết là một chính sách dân tộc không phải là một thủ đoạn chính trị. Đó là chiến lược tập hợp lực lượng nhằm tạo thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, dân tộc, giai cấp và xây dựng xã hội mới. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng, song đại đoàn kết dân tộc luôn là mục tiêu và là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Để giành độc lập dân tộc phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập dân tộc càng cần đoàn kết hơn”.


4458.jpg

  Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn  

 

Thực tiễn lịch sử Việt Nam cho thấy, có những triều đại đã nhìn nhận tiến bộ về vai trò quần chúng nhân dân và đánh giá được sức mạnh đoàn kết của nhân dân nên đã thực hiện được “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, đánh tan được nhiều quân xâm lược hùng mạnh nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được tinh thần đoàn kết trong tiềm thức của dân tộc, Người nâng nó lên thành nhiệm vụ thiêng liêng, thành những chính sách cụ thể và luôn khẳng định như một nguyên lý và vận dụng nguyên lý ấy thành hành động thiết thực, khiến cho vấn đề “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” không còn là lời kêu gọi đơn thuần mà trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất có tổ chức. Đại đoàn kết dân tộc chính là đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng, Người chỉ rõ: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người dạy cán bộ, đảng viên: Dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ, nhưng trước hết phải tìm mọi cách để giải thích cho họ hiểu rằng những cái đó là vì lợi ích của họ mà phải làm. Do vậy, cách mạng phải dựa vào dân, phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Theo Hồ Chí Minh: “Đoàn kết phải đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số, đoàn kết Nam Bắc, đoàn kết quân dân... Bất kỳ việc to mấy ta đoàn kết đều làm được hết cả”. Quan điểm của Người thể hiện sự bao dung, độ lượng, không định kiến hẹp hòi, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tín ngưỡng, già, trẻ, trai, gái, giàu nghèo, không bỏ sót một bộ phận nào, một lực lượng nào có thể tập hợp đoàn kết được. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà, ai có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người còn chỉ rõ: Để mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, cần phải biết gác lại sự khác biệt, tìm đến sự tương đồng. Bởi chính sự tương đồng là “chất keo” gắn kết các thành phần, lực lượng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng nhau. Đối với mỗi người Việt Nam, sự tương đồng ấy chính là tinh thần yêu nước, là lòng tự hào, sự tự tôn dân tộc, là ý thức cộng đồng, là tinh thần nhân ái bao dung, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Ngay từ khi tìm thấy con đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến việc đưa quần chúng nhân dân vào những tổ chức yêu nước phù hợp với từng giai tầng, từng giới, từng ngành nghề, từng lứa tuổi... Tổ chức tập hợp đông đảo khối đại đoàn kết toàn dân là Mặt trận dân tộc thống nhất. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết của toàn dân mà chúng ta giành được quyền độc lập”. Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc phải là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chuyên chính vô sản, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng.


4458-5.jpg

Hình ảnh Bác Hồ với Phụ nữ và thanh thiếu niên

 

Nghiên cứu về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chủ tịch, không chỉ đơn thuần là sự khẳng định vai trò và sức mạnh của đại đoàn kết, mà còn giúp chúng ta nhận biết sâu sắc những quan điểm có tính nguyên tắc gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong tư tưởng của Người. Theo Bác, đoàn kết là nhiệm vụ của toàn dân tộc. Người chỉ rõ: “Sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, giữa tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm tranh đấu lấy nền độc lập cho Tổ quốc”. Trong mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng Cộng sản là thành viên và là lực lượng lãnh đạo. Vì vậy, đại đoàn kết phải được quán triệt trong mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng phải có sứ mệnh tập hợp, hướng dẫn quần chúng, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành hiện thực có tổ chức để tạo thành sức mạnh vô địch. Đảng lãnh đạo mặt trận trước hết bằng việc xác định chính sách đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng. Muốn lãnh đạo mặt trận, lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết Đảng phải thực sự đoàn kết thống nhất; đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Vai trò, vị trí của Đảng trong mặt trận thống nhất, đòi hỏi Đảng chẳng những phải xây dựng, phấn đấu xứng đáng là đội tiên phong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục, đổi mới phương thức tập hợp quần chúng, hướng dẫn cả dân tộc tranh đấu, lao động sáng tạo vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và vì lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt đời Người chăm lo giáo dục và xây dựng khối đoàn kết vững chắc trong toàn Đảng. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải giữ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình”. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Quá trình cách mạng, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với điều kiện thực tiễn cách mạng. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã chứng minh hùng hồn về giá trị và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Bước vào thời kỳ mới, đặc biệt từ thực hiện chỉ thị 05/CT-TW đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; về đại đoàn kết dân tộc; vấn đề dân tộc, tôn giáo; về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Quá trình triển khai thực hiện đã thu được nhiều thành tựu to lớn: việc tập hợp nhân dân dưới các hình thức đa dạng có bước phát triển mới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được mở rộng nâng cao vai trò và vị trí trong xã hội, nội dung hoạt động phong phú thiết thực. Nhờ đó đã lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cuộc vận động, các phong trào yêu nước. Quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội đã từng bước được phát huy, góp phần tích cực động viên nhân dân phấn khởi đẩy mạnh lao động sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mở rộng hơn, được xây dựng và củng cố vững chắc hơn: “Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng thiết thực”.

4458-10.jpg

4458-15.jpg

Bác Hồ luôn chăm lo và gần gũi với nhân dân

 

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình quán triệt tổ chức thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vẫn còn tồn tại những hạn chế: một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn xem nhẹ vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở một số nơi còn mang tính chất hành chính hình thức. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch ra sức phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chúng luôn lợi dụng những vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... để kích động gây ly gián, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Để phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, chúng ta cần xác định: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân. Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức Đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

 

Để góp phần thực hiện tốt chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó có nội dung về Phát huy  khối Đại đoàn kết dân tộc; Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo thông qua đường lối và chính sách liên hệ mật thiết với nhân dân. Nhà nước không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý, qua đó tạo điều kiện để nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân, nỗ lực phấn đấu cho sự phát triển của đất nước, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các chính sách và pháp luật Nhà nước nhằm phát huy dân chủ và giữ vững kỷ cương trong xã hội. Chăm lo và bảo vệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội...


4458-20.png 

Đ/c Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy thăm và chức tết cán bộ, đảng viên khối Mặt trận, các đoàn thể nhân dịp năm mới Xuân Canh Tý 2020

 

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên, nhân dân. Củng cố, tổ chức, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tập trung hướng mạnh về cơ sở, mở rộng đoàn kết tập hợp, kết nạp đoàn viên, hội viên vào các đoàn thể chính trị - xã hội; rà soát, tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, cuộc vận động, các mô hình hay và hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cá nhân và tập thể xuất sắc.

Tài liệu tham khảo

- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H2011

- Giáo trình cao cấp lý luận chính trị; Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, NXB lý luận chính trị, H2019

- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng 


MTH - Hội Phụ nữ huyện

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​