Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
​“Tự hào Áo Dài” Việt Nam

Vừa qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc thi “Tự hào Áo Dài” Việt Nam, đây là dịp để Hội LHPN các cấp đẩy mạnh tổ chức các hoạt động sôi nổi, khởi động chuỗi các sự kiện năm 2020 và phát động các phong trào thi đua trong các bộ, hội viên phụ nữ hướng về chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2020.


4845.jpg


Trang phục là biểu hiện bề ngoài của bản sắc văn hóa dân tộc. Chiếc áo dài Việt Nam được xem là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt. Quá trình tồn tại và phát triển của chiếc áo dài cũng gắn liền với quá trình lịch sử của dân tộc Việt, việc tìm hiểu về chiếc áo dài Việt Nam cũng đồng thời tìm hiểu về nền văn hóa truyền thống của dân tộc nước nhà. Dưới góc độ văn hóa, trang phục áo dài phát triển qua từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam từ trước đến ngày nay.


4845-5.jpg


Ở thế kỷ 17, trong những dịp trang trọng phụ nữ Việt Nam mặc áo dài bên ngoài giống như áo tứ thân sau này. Sang thế kỷ 19, trong các dịp lễ hội và lao động thường ngày, phụ nữ Việt Nam thường mặc chiếc áo dài được cải biến từ kiểu áo thụng trong cung đình trên cơ sở chiếc váy truyền thống thành bộ áo dài rất cơ bản để nó tiếp tục được cải biến thành chiếc áo dài ngày nay. Ở miền Bắc, áo dài phụ nữ còn gọi là áo tứ thân hoặc năm thân; phổ biến hơn cả là áo tứ thân.

 

Cho đến đầu thế kỷ 20 trang phục áo dài của phụ nữ miền Bắc vẫn là chiếc áo tứ thân và năm thân màu nâu hoặc màu thâm truyền thống dưới là váy mặc trong lễ hội và cả trong khi lao động (qua ký họa của Dumoutier). Phụ nữ miền Trung những ngày lễ hội thường mặc áo năm thân, kín cổ. Người nhiều tuổi mặc màu đậm, các cô gái trẻ mặc màu nhẹ hoặc trắng. Trong khi đó, áo dài của phụ nữ Nam bộ cho đến đầu thế kỷ 20 là áo dài màu đen hoặc nâu đỏ bên trong mặc áo ngắn màu trắng có túi nhỏ, bỏ ra ngoài quần. Sau này dần dần phụ nữ miền Bắc cũng bỏ không mặc váy mà mặc quần đen bằng vải lĩnh, nái hoặc sa tanh như phụ nữ miền Nam.


4845-5-5.png


Chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam (kể cả ba miền Bắc, Trung, Nam) khi mặc vào nó đã quy định được thành phần xã hội trong đó. Các kiểu áo dài nhìn chung là giống nhau chỉ khác biệt ở một vài đặc điểm nhỏ. Đối với phụ nữ thuộc con nhà khá giả ở thành thị miền Bắc, khi ra ngoài phố thường mặc áo tứ thân (bên trong mặc áo cánh bằng vải trắng hay lụa tơ tằm). Vào dịp tết, các bà các cô mặc bên trong là chiếc áo dài màu bằng lụa Tây Hồ, cài khuy bên cạnh. Đối với phụ nữ thuộc con nhà khá giả hoặc quyền thế ở Nam bộ, trang phục lễ hội là áo cặp, các cô cũng bận hai hoặc ba cái áo dài bằng lụa trơn, bên trong màu tươi sáng, bên ngoài màu sẫm hoặc tối, chiếc đầu tiên dài chấm đất, chiếc sau ngắn dần lên, áo này chồng lên áo kia và có nhiều màu sắc khác nhau. Chỉ cần nhìn vào loại vải và màu sắc trang phục có thể phân biệt được đẳng cấp xã hội của người mặc nó. Phụ nữ giàu có hoặc khá giả, quyền thế thì mặc áo dài bằng gấm hoặc tơ với các màu rực rỡ. Còn người bình dân thì mặc áo dài màu nhạt như xám tro, trắng ngà, tím hoa cà… bằng vải lụa trơn.


4845-10.png


Từ chiếc áo tứ thân truyền thống với gam màu tối, sẫm được cách tân những yếu tố quan trọng để trở thành chiếc áo dài tân thời và đến chiếc áo dài hiện đại ngày nay là sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống dân tộc với văn hóa phương Tây. Chiếc áo dài hiện đại đã khiến cho người phụ nữ mặc nó nhìn chung rất kín đáo, đoan trang và không kém phần quyến rũ. Từ Thập niên 60-70, áo dài bắt đầu tôn lên những nét quyến rũ nhất của người phụ nữ. Eo được may thắt lại, có người còn dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo đuợc nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang, dài gần đến mắt cá chân, làm cho người mặc có dáng "thắt đáy lưng ong". Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Từ đây, tà áo dài hiện đại chính thức ra đời và vẫn giữ nguyên nét đẹp ấy cho đến ngày nay, dù đã trải qua bao năm tháng chiến tranh và phát triển, áo dài vẫn là một biểu trưng của người phụ nữ Việt. Từ tính chất dân tộc của nó mà từ những năm 1970 cho đên nay, chiếc áo dài đã được các cô dâu mặc trong ngày cưới của mình. Hai, ba thập kỷ nay trang phục đám cưới của người Việt thường thống nhất với chiêc áo dài của cô dâu và chiếc veston của chú rể, một sự kết hợp của văn hóa giữa Đông và Tây. Mặc dù vậy, chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được tính dân tộc của mình, vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay, áo dài gần như đã trở thành lễ phục chính thức cho người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã được người phụ nữ mặc trong tất cả mọi trường hợp lễ nghi, ngoại giao, làm việc văn phòng, tiếp viên hàng không, biểu hiện nghệ thuật (ca nhạc), trong học đường… Kể từ năm 1989, khi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thi Hoa hậu Áo dài thì ngành thời trang thiết kế áo dài đã bắt đầu ra đời và có nhiều nhà tạo mẫu áo dài nổi tiếng và những tập đoàn công ty người mẫu biểu diễn thời trang cũng đã được hình thành. Đặc biệt, tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế được tổ chức tại Tokyo năm 1995, áo dài Việt Nam đã nhận được giải thưởng trang phục dân tộc đẹp nhất và đã được các trung tâm thời trang trên thế giới như Paris, New York, Milan với các nhà tạo mẫu Châu Âu như Giorgio Armani, Calvin Klein chú ý đã cho ra những bộ sưu tập cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, sự giao lưu về văn hóa, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, và cái nhìn hiện đại tạo điều kiện cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo, áo dài biến hóa muôn màu muôn kiểu và chính thức trở thành quốc phục của nước Việt Nam. Hiện nay, các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng vẫn sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp với giới trẻ như áo dài tay ngắn, tà ngắn và có thể mặc chung với quần jeans, quần ôm…

 

Việt Nam bao gồm 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc đều có một loại trang phục đặc trưng truyền thống của mình. Nhìn chung, trang phục của mỗi dân tộc đều có sắc thái riêng, tuy nhiên ngày nay các dân tộc có quá trình giao lưu văn hóa lâu đời với người Việt (như Hoa, Chăm, Khmer), đặc biệt các dân tộc sống định cư gần các đô thị thì hầu như họ đều bị Việt hóa, trang phục mặc hàng ngày của họ cũng theo trang phục của người Việt và chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam cũng chính là lễ phục quan trong trong đám cưới của họ. Có thể nói, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đã trở thành biểu tượng văn hóa giàu tính dân tộc. Văn hóa áo dài Việt Nam đã hội nhập, giao lưu và khẳng định được vị trí của mình trong văn hóa thế giới, chính là nhờ bản sắc văn hóa chứa đựng trong nó. Ngày nay, dù cho áo dài có được các nhà thiết kế thời trang biến tấu hoặc trang trí, hội họa theo “mốt” đa dạng và phong phú song cơ bản cái hồn của áo dài Việt Nam vẫn còn đó như hình bóng quê hương Việt Nam trong mỗi chiếc áo dài.

HC - BTGHU

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​