Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Đổi
mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN", công tác giáo dục, đào tạo trên
địa bàn huyện Long Thành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Xác định rõ
công tác giáo dục và đào tạo là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến
lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, hằng năm Đảng bộ, chính
quyền huyện và ngành giáo dục luôn phát huy tối đa nguồn lực đầu tư cho giáo
dục. Ngành giáo dục huyện Long Thành đã tăng cường tham mưu với các cấp ủy
Đảng, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chăm lo cho
sự nghiệp giáo dục và đào tạo; thống nhất nhận thức về vai trò quyết định chất
lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm
phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho
con em mình nhằm tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội
vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục.
Đ/c Dương Minh Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy – Bí
thư Huyện ủy Long Thành phát biểu chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường
THPT Long Thành
Theo báo
cáo của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, trong nhiệm kỳ 2015-2020, triển khai
thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành Giáo dục huyện đã đạt
được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Chất lượng giáo dục và đào tạo từng
bước được củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi
mới; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp học ngày một tăng, tỷ lệ
học sinh có học lực trung bình, yếu giảm. Đến tháng 6/2020, toàn huyện có 70 trường học.
(trong đó: MN, MG : 27 trường; Tiểu học: 24 trường. THCS: 15 trường; THPT: 4
trường). Tỷ lệ trẻ 5 tuổi học mẫu giáo đạt 100% (NQ 100%), trẻ 6 tuổi vào lớp 1
đạt 100% (NQ 100%), trẻ em trong độ tuổi đi học TH và THCS đạt 99,2% (NQ 99%). Số lượng học
sinh MN, MG bình quân hàng năm tăng 15%; Tiểu học: tăng 13%. THCS tăng: 12%;
THPT: tăng 2%. Đến nay, tỉ
lệ sinh viên cao đẳng, đại học đạt 300
sinh viên/1vạn dân. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
tiếp tục được sự hưởng ứng của toàn xã hội, qua đó đã vận động xây dựng Quỹ
Khuyến học 32,7 tỉ đồng (tiền mặt 25,9 tỉ đồng, hiện vật 6,8 tỉ đồng), hỗ trợ
kịp thời cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng cho giáo
viên, học sinh đạt thành tích.
Đ/c Ngô Thế Ân – Phó bí thư Thường trực
huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện tặng kỷ niệm chương cho giáo viên
Để đạt được kết quả trên, ngành Giáo
dục và Đào tạo huyện đã triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn
với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục.
Theo đó, các cơ sở giáo dục tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu truyền
thụ kiến thức sang giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực người học.
Tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn,
chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh;
nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức trong nhà trường nhằm tạo
điều kiện cho học sinh phát huy năng lực, phát triển năng khiếu và hình thành
kỹ năng sống, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện không ngừng nâng cao chất
lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Quan tâm đào tạo, phát triển
đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có tư duy tiến bộ, giỏi về chuyên môn, nghiệp
vụ, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Đội ngũ nhà
giáo tiếp tục được củng cố, kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu,
chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh,
chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, an tâm công tác,
hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng đội ngũ đang từng bước được nâng lên,
đa số cán bộ, giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Đây là
thuận lợi cho ngành trong tổ chức triển khai có hiệu quả trong việc đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại
hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế. Đến nay, đội ngũ giáo viên có 1.705 người. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn sư
phạm đạt 100%, tỉ lệ giáo viên mầm non trên chuẩn 80,1% (NQ 80%), giáo viên
tiểu học trên chuẩn đạt 90,1% (NQ 90%), giáo viên THCS trên chuẩn đạt 95% (NQ
95%), cán bộ quản lý có trình độ trung cấp chính trị đạt 100% (NQ 80%),
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học
của ngành học, cấp học tiếp tục được đầu tư bổ sung từ ngân sách của thành
phố và xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đổi mới phương
pháp dạy và học. Trong 5 năm qua, đã xây dựng và sửa chữa 16 trường
học với tổng kinh phí 240,16 tỷ đồng.
Đến nay, các cấp học mầm non, phổ thông toàn huyện có 944 phòng học, tăng 98
phòng học. Thu hút đầu tư xã hội hóa 10 trường tư thục (trong
đó 01 trường tiểu học, 9 trường mầm non) và 92 nhóm trẻ gia đình với tổng kinh
phí 28,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đã vận động xã hội hóa sửa chữa cơ sở vật chất trường,
lớp, trang bị dụng cụ học tập cho học sinh với tổng kinh phí kinh phí khoảng 7
tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo
huyện Long Thành thì những năm qua, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới
căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, các phong trào thi đua của ngành như
phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”,
phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích
cực” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh” được phát động
trở thành nhiệm vụ thường xuyên đối với các đơn vị trường học. Công tác kiểm
tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục được tiến hành thường
xuyên có nhiều đổi mới, có tác dụng tích cực. Đến nay, toàn huyện hiện có
26/70 trường học được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 36%) trong
đó có 14 trường Mầm non, 07 trường Tiểu học và 09 trường THCS).
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển
khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương
khoá XI, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục – đào tạo huyện Long
Thành sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp là:
+ Tiếp tục
quán triệt và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả
Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khoá XI), Kế hoạch số 298-KH/TU
ngày 9/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư
Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục
vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn huyện.
+ Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp
ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và tổ chức
chính trị - xã hội đối với giáo dục; nâng cao chất lượng công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức lối sống cho cán bộ, giáo viên, học
sinh; đẩy mạnh rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, điều chỉnh
quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện, đẩy mạnh công
tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục,
đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và
đào tạo.
+ Nghiên cứu sắp xếp, cơ cấu lại trường lớp theo nội dung,
tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung
ương Đảng (khóa XII). Tập trung ngân sách đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; đồng thời
đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các trường
ngoài công lập ở các bậc học; trong đó chú
trọng phát triển trường lớp đáp ứng yêu cầu giáo dục bán trú khối học sinh tiểu
học, khối mầm non, mẫu giáo.
Thực hiện đồng bộ, triệt để và hiệu quả
các giải pháp trên, chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện sẽ ngày càng được
nâng cao, diện mạo của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành sẽ từng
bước đổi thay tích cực, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục - đào
tạo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Doãn Thành – BTG