Nhằm nâng tầm giá trị các loại nông sản chủ lực và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, những năm qua, huyện Long Thành đã tập trung thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Qua đó, đã tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Thành cho biết, thời gian qua, địa phương đã tập trung triển khai Chương trình OCOP tại các xã, thị trấn có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh, chủ lực; tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh có sản phẩm tiềm năng, thực hiện hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia OCOP; hướng dẫn các chủ thể áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm để các sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận đạt OCOP, qua đó tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo 264 tỉnh khảo sát quy trình sản xuất sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Domilk
Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh-Giám đốc Công ty Cổ phần Domilk, xã An Phước cho biết: Yếu tố mà công ty đặt lên hàng đầu vẫn là an toàn thực phẩm và tuân thủ những tiêu chuẩn của ISO, hiện tại doanh nghiệp đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Hiện tại doanh nghiệp đang được chứng nhận 7 sản phẩm đạt OCOP, khi mà sản phẩm đạt OCOP sẽ giúp cho công ty có thêm thương hiệu, người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn về sản phẩm khi đến tay sử dụng. Ông Nguyễn Tấn Lâm-Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Long Thành cho biết: Phòng Kinh tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo vận động huyện triển khai thực hiện các văn bản nhằm hỗ trợ cho các chủ thể doanh nghiệp thực hiện tham gia chương trình OCOP; phân công cho cán bộ phụ trách kết hợp với địa phương hỗ trợ, hướng dẫn cho các chủ thể thực hiện các hồ sơ về OCOP, trong đó cán bộ luôn gắn kết với các chủ thể để thực hiện tham gia.
Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Công ty Cổ phần Domilk
Nhờ các chủ thể sản phẩm OCOP đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Nên qua thời gian triển khai, huyện Long Thành có nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn các sao OCOP với chất lượng và độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, việc giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng cũng được địa phương tích cực hỗ trợ thông qua nhiều kênh quảng bá, hướng đến xuất khẩu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 35 sản phẩm OCOP của 13 chủ thể đạt chứng nhận 3 sao, góp phần giải quyết bài toán về tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, kinh tế, tổ chức sản xuất và huyện có 12/13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Thanh-Giám đốc Công ty Cổ phần Domilk, xã An Phước cho biết thêm: Sắp tới doanh nghiệp cũng muốn đưa tất cả những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, thì hiện tại doanh nghiệp đang có 13 sản phẩm chủ lực. Thông qua nhận diện thương hiệu cũng như chứng nhận OCOP thì doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm một số kênh, trong đó phát triển thị trường ở miền Trung, miền Bắc, song vẫn tập trung mạnh vào khu vực miền Đông vì sản phẩm của mình là sản phẩm địa phương, gần đây thì doanh nghiệp cũng đã tìm đến khu vực miền Tây.
Sản phẩm nấm mối đen đạt chứng nhận OCOP của Công ty Nấm đất Việt, xã Cẩm Đường
Trong thời gian qua, việc mà phát triển tham gia sản phẩm OCOP trên Sàn thương mại điện tử, chúng tôi luôn gắn kết với Sở Công thương thực hiện trên các Sàn thương mại pop mart, Viettel. Sắp tới đây, dự kiến trong năm 2025, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu cho UBND huyện ban hành quy định gắn tiêu chí với các sản phẩm tham gia OCOP, phải tham gia Sàn thương mại điện tử. Ông Nguyễn Tấn Lâm-Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Long Thành cho biết thêm.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã và đang từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn, cũng như đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện Long Thành. Đây được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng, tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững, an toàn, giảm thiểu tác động đến môi trường trong thời gian tới.