Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) ở các cấp, các ngành, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện. Phòng Y tế huyện Long Thành triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện năm 2025.

Ảnh minh họa - Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác ATTP
Cụ thể, Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý ATTP theo đúng quy định của pháp luật về ATTP; quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị số 17 CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; kịp thời xử lý dứt điểm các điểm nóng về ATTP được dư luận xã hội, người tiêu dùng quan tâm, phản ánh trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về ATTP; đẩy nhanh thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP mức độ 3 và 4 tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các tổ chức,cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo đảm ATTP, phát triển cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm an toàn; tư vấn, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn tiên tiến như: GMP, SSOP, Viet GAP, HACCP... Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác ATTP; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về ATTP và ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn huyện. Đổi mới hình thức nội dung truyền thông trong công tác ATTP phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác ATTP và công khai tổ chức, cá nhân vi phạm qui định về ATTP. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm về ATTP.
Tiếp tục tập trung triển khai mở rộng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm ATTP, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm (OCOP). Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, cần thiết để góp phần đẩy mạnh việc đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện. Bố trí đủ nhân lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác về ATTP cấp huyện, cấp xã, thị trấn.