Những năm gần đây, thực hiện mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc Gia, các trường phổ thông trên địa bàn huyện Long Thành được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên cũng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tương tác, lồng ghép kiến thức thực tế. Sự kết hợp này đã giúp học sinh phát triển tư duy đạt thành tích cao trong học tập.
Tiết học về Ethanol (Thường gọi là rượu) của Lớp 9/8 do Cô Phạm Thị Hương Lan- Giáo viên Trường THCS thị trấn Long Thành phụ trách diễn ra sôi nổi. Khác với kiểu giảng dạy truyền thống trước đây, giáo viên ghi các nội dung cơ bản của môn học lên bảng cho học sinh chép theo. Giờ đây, thông qua màn hình ti vi kết nối máy tính, cô Lan đặt ra các câu hỏi, vấn đề và trình chiếu những tình huống xảy ra trong cuộc sống liên quan đến rượu để học sinh suy nghĩ trả lời, tranh luận.
Em Đỗ Ngọc Diệp Phụng- Học sinh Lớp 9/8, Trường THCS thị trấn Long Thành phấn khởi nói: Qua những giờ học, con cảm thấy cô Hương Lan biết tạo không khí vui vẻ, thoãi mái, cởi mở để giúp cho không khí giờ học thêm sôi động hơn, Ngoài ra, trong cách giảng dạy của cô Hương Lan còn lồng ghép những hình ảnh minh họa bên ngoài vào trong bài vở, để giúp tụi con có chiều sâu về kiến thức hơn, tụi con dễ dàng nắm bắt bài vở hơn, từ đó tụi con có thể học tập và làm bài dễ dàng hơn.
Tiết học về Ethanol của Lớp 9/8, Trường THCS thị trấn Long Thành
Cô Phạm Thị Hương Lan-Giáo viên Trường THCS thị trấn Long Thành cho biết: Ngoài sách giáo khoa, giáo viên cần truyền đạt lồng ghép một số nội dung thực tế liên quan đến kiến thức sách giáo khoa, để từ đó, các em nhận thấy rõ vấn đề cần sáng tạo và mang lại những ý tưởng khả thi. Nếu như chúng ta giảng dạy chỉ gói gọn trong kiến thức sách giáo khoa thì các em học sinh chỉ dừng lại ở những con điểm số trong nhà trường, thiếu năng lực sáng tạo, thiếu năng lực quan sát cuộc sống thì các em không thể đạt thành tích cao trong các kỳ thi.
Toàn huyện Long Thành có 43 đơn vị trường học công lập từ cấp Tiểu học đến THPT. Nhằm đáp ứng tiêu chí về trường học đạt chuẩn Quốc Gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, những năm gần đây, các trường học được UB huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang đồng bộ, đặc biệt là lắp đặt các máy móc, trang thiết bị hiện đại. Trên cơ sở đó, giáo viên các cấp học đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm soạn bài giảng E-Learning; phần mềm dạy học ActivSpire, PowerPoint ... cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tương tác, lồng ghép kiến thức thực tế.
Giáo viên các cấp học đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm soạn bài giảng, phần mềm dạy học
Cô Nguyễn Thị Phi Yến- Giáo viên Trường THCS xã Tân Hiệp cho biết: Từ khi có được ngôi trường mới này, được UBND huyện cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ cho công tác giảng dạy, thì giáo viên phấn khởi hơn rất nhiều trong việc giảng dạy và đem đến những cái hiệu quả rất tích cực cho các em học sinh. Các em học sinh có đầy đủ các trang thiết bị học tập thì các em cũng phấn khởi trong việc học tập, từ đó mà thành tích của nhà trường cũng được nâng cao và đi lên. Thầy Võ Triệu Bảo- Giáo viên Trường THCS thị trấn Long Thành cho biết thêm: Theo tôi thấy, tất cả giáo viên công tác tại trường giờ đã quen sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thiết kế bài giảng phù hợp hơn với nội dung tiết học, bài dạy. Giáo viên có sự tìm tòi, nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng phù hợp với chuyên môn giảng dạy của mình. Các bài giảng có sử dụng công nghệ thông tin sẽ sinh động, hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng theo phương pháp truyền thống và học sinh sẽ hứng thú học tập.
Các bài giảng có sử dụng công nghệ thông tin sẽ sinh động, giúp học sinh phát triển tư duy
Chính nhờ các trường học được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, mà những năm gần đây tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT và học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo, khoa học, kỹ thuật đạt thành tích xuất sắc của huyện Long Thành luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh.