Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO

 

Trần Hưng Đạo, tên thật là Trần Quốc Tuấn (1230 - 1300), con của An Sinh vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Ông là một vị anh hùng dân tộc toàn tài, tham gia cả ba lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược nước ta. Trong lần kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1258) và lần thứ ba (1287), Ông được cử làm Tiết chế thống lĩnh toàn quân đánh bại hoàn toàn quân Mông cổ. Ông là tác giả của “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng và sách “Binh thư yếu lược”. Khi Ông mất được vua Trần ban tước hiệu Hưng Đạo vương. Ông là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất thế giới. Không chỉ  là một vị tướng tài, một vị anh hùng dân tộc lỗi lạc, kiệt xuất, Ông còn là một  nhà chính trị, văn hóa lớn được toàn dân tộc ngưỡng vọng thờ phụng ở nhiều nơi. Nhân dân Bình Sơn -  Long Thành đã lập đền thờ Ông tại ấp 4, khói hương không dứt và hàng năm vào ngày 18 - 20/8 âm lịch, lễ giỗ Trần Hưng Đạo được tổ chức rất long trọng theo nghi thức thờ Thần truyền thống của dân tộc. 

 3108-1.JPG

SỰ HÌNH THÀNH ĐỘI NGŨ CÔNG NHÂN CAO SU BÌNH SƠN

Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng Nam kỳ, trước những lợi nhuận lớn của việc khai thác cây cao su, tư bản thực dân Pháp đã thành lập hàng loạt đồn điền cao su ở Nam kỳ. Tại tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), tư bản thực dân Pháp thành lập đồn điền cao su Suzannal (Dầu Giây) vào năm 1904, đây là đồn điền cao su đầu tiên ở Đông Nam bộ, tiếp theo một loạt các đồn điền cao su khác được thành lập: An Lộc, Bình Lộc, Hàng Gòn, Túc Trưng….


Năm 1923, Công ty đồn điền cao su Đất Đỏ (Socie téde Plantation de terrouge - SPTR) đến thăm dò vùng đất rừng Bình Sơn (Long Thành) để lập kế hoạch khai hoang trồng cao su và thành lập đồn điền cao su Bình Sơn. Để đáp ứng nhu cầu khai hoang, mở rộng đồn điền, ngoài việc sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ là những người dân bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số: Chơ ro, Xtiêng, Khơme…, Công ty SPTR phải mộ thêm dân phu từ miền Bắc, miền Trung vào làm việc. Đợt mộ phu đầu tiên vào năm 1926 với số dân phu là 530 người được mộ chủ yếu từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam. Họ là những nông dân nghèo khổ, chịu sự ức hiếp hà khắc của chế độ phong kiến nên chấp nhận rời quê hương vào Nam mong có cuộc sống khá hơn. Nhưng cuộc sống của người công tra cao su ở vùng đất mới trái ngược hoàn toàn với những lời hứa hẹn của bọn mộ phu. Người phu cao su không được gọi bằng cái tên cha mẹ đặt mà gắn với một con số để gọi như: Ông tám Mốt (81), ông Bốn Chục (40), bà Bảy sáu (76)….Họ gần như mất đi tất cả quyền của con người, sống tập trung trong các căn nhà tạm bợ, nắng thì nóng như thiêu như đốt, mưa thì dột tứ bề; ăn cơm thì gạo mục cá thối. Họ phải làm việc quần quật từ 12 đến 16 giờ/ngày, lại thường bị bọn cai, xu, sếp tra tấn, đánh đập, hành hạ tàn nhẫn bởi rất nhiều những lý do vô cớ, đúng với câu ca dao ai oán “cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo”. Cuộc sống của người phu công tra khổ trăm bề đến mức không thể chịu đựng được, một số đã tìm cách bỏ trốn nhưng rồi cũng phải bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, số còn lại họ phải tự vùng lên đấu tranh với chủ đồn điền đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi được thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng. Cuộc đấu tranh của công nhân cao su Bình Sơn đã từng bước giành được thắng lợi, cuộc sống đã phần nào được cải thiện và dưới sự lãnh đạo của Đảng họ đã làm chủ được đồn điền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, góp phần cùng với công nhân cao su các đốn điền trong tỉnh và nhân dân miền Nam đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.


 cổng.png

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO

Buổi đầu rời quê hương miền Bắc vào đất Bình Sơn làm phu cao su, những người nông dân nghèo khổ không có của cải gì đáng giá ngoài vài bộ quần áo và một số đồ dùng sinh hoạt. Tuy nhiên, với quan niệm tín ngưỡng sẽ được ông bà, tổ tiên và các vị thần thánh nơi cố hương phù trợ cho mình ở vùng đất mới nên họ đã mang theo bản sao Sắc thần của vua Tự Đức phong cho Thượng đẳng thần Trần Hưng Đạo ở đền Bảo Lộc (Nam Hà) vào nơi ở mới Bình Sơn.


12.jpg

Nhà bia ghi tên liệt sĩ


Tại đồn điền cao su Bình Sơn nói riêng và các đồn điền cao su ở Nam kỳ nói chung, nhằm mị dân, mua chuộc, ép buộc và mưu đồ “đồng hóa về tín ngưỡng” buộc những người phu công tra suốt đời phải làm việc cho chúng, tư bản thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều nhà thờ, lôi kéo dụ dỗ những người nông phu theo đạo Thiên Chúa nhằm gắn chặt cuộc đời họ với đồn điền để bóc lột sức lao động đến tận xương tủy, làm giàu cho chúng. Nhưng những người phu cao su Bình Sơn một lòng yêu nước, kiên quyết bảo vệ nguồn gốc tổ tiên, giữ gìn tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, vào cuối năm 1926, dân phu Bình Sơn đã đệ đơn (kèm theo bản sao chép Sắc thần đem từ quê hương vào) lên chủ đồn điền xin dựng một ngôi đền để thờ Trần Hưng Đạo. Trước nguyện vọng chính đáng của người phu cao su, tư bản thực dân Pháp đã phải đồng ý cho họ dựng một ngôi đền nhỏ bằng tranh, tre ở nơi cư trú. Trải qua thời gian tồn tại, ngôi đền đã bị xuống cấp. Năm 1930, Ban Trị sự đền và những người phu cao su đã đóng góp công của sửa lại ngôi đền: thay vách gỗ bằng tường gạch, thay mái lá bằng ngói vẩy cá, dựng nhà võ ca ở phía trước Chánh điện. Năm 1939, xây một ngôi miếu nhỏ ở bên phải chánh điện của ngôi đền để  thờ Mẫu Liễu Hạnh; năm 1997, tiếp tục trùng tu, sửa chữa: xây lại tường, lợp lại mái bằng ngói vẩy cá và tôn thiếc giả ngói; xây  cổng, làm hàng rào kẽm gai bao quanh ngôi đền. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Ban Trị sự đền và nhân dân Bình Sơn thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã xây Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Bình Sơn hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bảo vệ Tổ quốc trong khuôn viên đền. Từ đó đến nay, ngôi đền luôn được nhân dân Bình Sơn tiến hành trùng tu, tôn tạo, chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn ngày càng khang trang, sạch đẹp.


ban tho.png

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tại đền Bình Sơn đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng. Đây là địa điểm để nhân dân địa phương đóng góp lương thực, thực phẩm, thuốc men ủng họ cho cách mạng dưới danh nghĩa là cúng đền và là địa điểm gặp gỡ, trao đổi công tác của cán bộ cách mạng ở địa phương, là nơi các đồng chí của Ban Cán sự cao su Biên Hòa mở “tòa án bí mật” xét xử Cai Bền - kẻ có con đi lính ngụy và có tư tưởng chống phá cách mạng…Việc xét xử này đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng và răn đe những phần tử chống phá cách mạng ở Bình Sơn.                                              

ban tho 2.png

Với những giá trị lịch sử nêu trên, đền thờ Trần Hưng Đạo đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng là di tích lịch sử (Quyết định số 3604/QĐ-UBND ngày 16/12/2010). Lễ rước và trao bằng công nhận di tích sẽ được tổ chức long trọng vào ngày 29/01/2011 tại đền thờ Trần Hưng Đạo.


Các trang giới thiệu khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​