Trong bối cảnh cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng các công nghệ số vào các lĩnh vực thương mại – dịch vụ trở thành xu hướng mang lại những giá trị, lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đối với huyện Long Thành, việc triển khai Chợ 4.0, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại – dịch vụ là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện nhà.
Để rút ngắn khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, huyện Long Thành đã triển khai mô hình Chợ 4.0 đến các chợ truyền, giúp được trải nghiệm những dịch vụ thanh toán vượt trội, thu dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đem lại sự an toàn cho người dùng trong các hoạt động giao dịch tài chính. Với mô hình Chợ công nghệ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng các nhà mạng vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Để khuyến khích tiểu thương tham gia mô hình chợ 4.0, huyện Long Thành đã phối hợp với các ngân hàng: MB Long Thành, Vietcombank Long Thành, BIDV chi nhánh Đông Đồng Nai và đoàn viên thanh niên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đến hỗ trợ các hộ tiểu thương tại các chợ trên địa bàn huyện Long Thành, nhất là đối với những tiểu thương chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa có mã quét QR thực hiện đăng ký tài khoản, đồng thời hỗ trợ in, dán mã quét QR tại chỗ cho các ô, sạp hàng tại các chợ.

Các ngân hàng hỗ trợ tiểu thương tạo mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt tại các ô, sạp hàng tại chợ
Sau thời gian triển khai, việc đi chợ mua hàng không dùng tiền mặt đã trở thành một xu hướng, một nét văn hóa mới lan tỏa mạnh mẽ tại các chợ trên địa bàn huyện Long Thành, người dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hiểu rõ những ưu điểm của thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đó mô hình Chợ 4.0 đã phát được huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm trên địa bàn.
Hiện các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Long Thành đang triển khai thanh toán trực tuyến rộng rãi, đặc biệt ở các quầy, sạp tại các chợ, người dân từ chỗ chưa tin tưởng việc thanh toán trực tuyến thì đến nay đã có trên 90% giao dịch, mua bán được thanh toán bằng hình thức quét mã QR. Thuận lợi cơ bản nhất của việc thanh toán trực tuyến là nhanh, gọn và đặc biệt cả tiểu thương và người mua hàng đều không lo sợ tiền giả do các giao dịch đều quét mã QR ở các ngân hàng đang phối hợp thực hiện.

Tiểu thương chợ Long Thành giới thiệu mã QR đến Đoàn kiểm tra Chuyển đổi số huyện
Không chỉ riêng tại các chợ, việc ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh còn diễn ra mạnh mẽ tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn huyện Long Thành. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh đã chủ động tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh, ứng dụng công nghệ vào công tác xúc tiến thương mại, quản lý, thanh toán và bán hàng như: Xây dựng website, fanpage trên facebook; sử dụng phần mềm bán hàng chuyên dụng, hóa đơn điện tử; thanh toán trực tuyến; lắp đặt hệ thống camera giám sát tự độNg, ứng dụng phần mềm ETAX kê khai và nộp thuế điện tử; Thanh toán, chuyển khoản trực tuyến bằng các ứng dụng ngân hàng, MoMo, ZaloPay…
Thực hiện mục tiêu tăng cường chuyển đổi số, tạo động lực cho phát triển thương mại - dịch vụ hiện đại trên địa bàn huyện Long Thành, trong năm 2024, huyện Long Thành đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai, khuyến khích các thành viên, hội viên, doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn huyện tích cực tham gia nhiều chương trình như: “Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Tiền Giang và các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long"; Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến đón đầu xu hướng toàn cầu cho doanh nghiệp"; Diễn đàn Thương mại điện tử Xuyên biên giới – VOIEF 2024; Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Gia Lai và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đồng thời tổ chức giới thiệu trực tiếp về sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai ecvn.dn, giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia tập huấn kỹ năng quản trị gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ 03 chủ thể với 15 sản phẩm đặc sản OCOP của địa phương lên sàn giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống MM Mega Market, Voso, postmart.

Ký kết hợp tác chuyển đổi số - thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 trên địa bàn huyện Long Thành
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thương mại – dịch vụ huyện Long Thành theo hướng hiện đại, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, huyện Long Thành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và tạo môi trường giúp người dân, doanh nghiệp tham gia thiết lập tài khoản VNeID, đặc biệt là định danh mức độ 2; tập trung khai thác, sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, biên lai điện tử, trợ lý ảo phục vụ người dân. Đồng thời xây dựng chương trình hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng, lấy đối tượng cán bộ đoàn thanh niên làm nòng cốt để thúc đẩy việc khai thác, sử dụng nền tảng số cho người dân, doanh nghiệp các kỹ năng số cơ bản, thiết yếu gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Ngoài ra, trong năm 2025, cân nhắc hướng dẫn thêm kỹ năng số cơ bản khác như sử dụng nền tảng số đặc thù của địa phương; một số lĩnh vực gồm có: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics, Y tế, Giáo dục… Bên cạnh đó, triển khai đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số trên 90%, trên 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số; hợp tác nghiên cứu phát triển các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Song song đó, triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt chỉ tiêu tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng trên địa bàn huyện đạt 80%; thực hiện các điều kiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận một cửa huyện và các xã, thị trấn và Nhân dân trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo CCHC huyện và các tổ công tác tại Bộ phận Một cửa tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ tiểu thương tại các chợ truyền thống, từng bước phấn đấu đưa các chợ của huyện Long Thành từ chợ đạt chuẩn văn minh thành chợ công nghệ 4.0, tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số trên địa bàn.

Tổ công nghệ số cộng đồng - nòng cốt là đoàn thanh niên hỗ trợ cài đặt app chuyển đổi số - thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn huyện Long Thành, thời gian tới việc thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó kích thích hoạt động mua sắm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn, góp phần tạo động lực phát triển thương mại - dịch vụ hiện đại tại địa phương.