Xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong công tác phát triển giáo dục tại địa phương. Thời gian qua, trường mầm non Long Thành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả và chất lượng giảng dạy, quản lý và tương tác giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, tạo ra môi trường học tập sáng tạo, đa dạng.
Trường Mầm non Long Thành hiện có 295 học sinh ở 10 nhóm lớp. Để thực hiện tốt hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ, những năm học vừa qua nhà trường đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, công tác soạn giảng bằng việc trang bị các phần mềm. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cùng với sự tích cực tham mưu, hiện nhà trường đã có 01 phòng máy phục vụ cho trẻ làm quen với Kiss Maxt; có 09/10 lớp có Smax TV và một số phương tiện khác phục vụ công tác giáo dục trẻ tại lớp nhằm tạo ra môi trường dạy học tương tác cao, sống động, hứng thú, nội dung và tư liệu bài giảng điện tử giới thiệu cho trẻ mang tính chân thực, phong phú giúp trẻ có thể làm quen với những hiện tượng tự nhiên xã hội mà trẻ khó có thể bắt gặp trong thực tế, điều đó giúp trẻ tập trung, hứng thú, học tập sôi nổi tích cực hoạt động hơn, trở thành động lực thúc đẩy quá trình học của trẻ, từ đó giáo viên ngày càng sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc thiết kế bài giảng và xây dựng các video.
Cô Thái Thị Hằng- Hiệu trưởng trường Mầm non Long Thành cho biết: Dạ, có thể nói là việc ứng dụng CNTT đã đem lại những hiệu quả cũng như nâng cao việc dạy và học, giáo viên chủ động tích hợp CNTT vào hoạt động giáo dục và cũng là nơi "Trường học kết nối". Từ đó thì kích thích sự yêu nghề nơi giáo viên và tinh thần ham học hỏi của trẻ ngay từ những năm đầu đời. Do đó, trong những năm học vừa qua, 100% cán bộ, giáo viên thực hiện soạn giáo án điện tử. Các phòng chức năng, phòng hành chính cũng được trang bị các thiết bị điện tử có nối mạng. Bên cạnh đó nhà trường triển khai và thực hiện nhiều phần mềm, trong đó có phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, kiểm định chất lượng, phần mềm dinh dưỡng, phần mềm kế toán, phần mềm soạn giảng,...Nhà trường cũng có trang facebook, zalo các lớp để tăng sự tương tác của nhà trường với phụ huynh".
Với những lợi ích lớn từ công nghệ số mang lại, đội ngũ giáo viên trường mầm non Long Thành đã rất tích cực trong việc lĩnh hội, tiếp thu và áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy. Qua đó, giúp giáo viên thuận lợi trong việc chuẩn bị giờ dạy, vừa tiết kiệm được kinh phí cho nhà trường mà vẫn nâng cao được tính sinh động, hiệu quả của giờ dạy. Là một trong số nhiều giáo viên mầm non tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào công tác nuôi dạy trẻ, cô Lương Thị Khánh Huyền giáo viên lớp Lá 2 chia sẻ: “. Bản thân là một giáo viên được học, được sử dụng, trải nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp thu kiến thức cũng như giảng dạy, tôi đã thường xuyên khai thác các tài liệu trên internet trên để tham khảo chọn lọc làm phong phú hơn cho bài giảng của mình từ đó, giúp cho các hoạt động hàng ngày của trẻ có thêm những hình ảnh, những video sống động ngộ nghĩnh sẽ làm cho bé thích thú, thích được xem, nghe, thao tác trực tiếp cũng như tạo cho bản thân một kho tài liệu các nội dung, kiến thức, hình ảnh liên quan đến nội dung kiến thức bộ môn của mình. Sử dụng cây thư mục để dễ dàng tìm kiếm nội dung tài liệu. Tạo các thiết bị dạy học số thay thế cho thiết bị dạy học truyền thống". Qua đó, giúp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy trẻ một cách tốt hơn".
Cô Phạm Thị Tâm- giáo viên dạy lớp lá 1 cho biết thêm: “Dạ thì tôi cũng như các đồng nghiệp đã tham mưu với Ban giám hiệu bổ sung trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, tổ chức lớp bồi dưỡng về kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường thường xuyên. Tập trung chủ yếu vào những kỹ năng cần sử dụng trong quá trình soạn giảng hàng ngày như lấy thông tin, các bước soạn một bài trình chiếu, các phần mềm thông dụng như Chat GPT, Canva… và cách sử dụng một số phương tiện như máy chiếu, máy quay phim, phần mềm soạn giảng. Qua thực hiện những giải pháp này, tôi mong muốn tạo ra những tiết dạy sinh động, hấp dẫn hơn với trẻ, góp phần thúc đẩy công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong nhà trường ngày càng phát triển hơn".





Thời gian qua, trường mầm non Long Thành đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, quản lý và nuôi dạy trẻ
Nhằm đáp ứng tốt hơn nữa công tác đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nuôi và dạy tại nhà trường, Trường mầm non Long Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo. Chia sẻ về vấn đề này. Cô Thái Thị Hằng- Hiệu trưởng trường mầm non Long Thành cho biết thêm: “ Để việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số luôn sử dụng thường xuyên, liên tục và có hiệu quả trong các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên trên mạng Internet; Cung cấp các địa chỉ và mở các liên kết với nhà trường; Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy như là sử dụng các phần mềm do Bộ GD & ĐT cung cấp, tổ chức các hội thảo, chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin".
Tin tưởng rằng, với những giải pháp trọng tâm, năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, quản lý và nuôi dạy trẻ của trường mầm non Long Thành sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường nói riêng và ngành giáo dục mầm non huyện Long Thành nói chung.