Làng dân tộc Stiêng ở ấp 4 xã Tân Hiệp, huyện Long Thành có 68 hộ với gần 240 nhân khẩu. Trong những năm qua, đồng bào dân tộc nơi đây đã được các ngành, các cấp quan tâm chăm lo nhiều mặt về vật chất và tinh thần theo các chương trình 134,135 của Chính phủ và chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã giúp cho cuộc sống của bà con, bộ mặt làng dân tộc đổi thay toàn diện.

Tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp" trong làng dân tộc Stiêng
Theo đó, cuối năm 2009, UBND huyện Long Thành đã tiến hành xây dựng khu định cư cho đồng bào dân tộc Stiêng. Việc có nhà ở mới đã tác động bà con dân tộc hăng hái nỗ lực chăn nuôi, trồng trọt theo phương thức sản xuất mới, thay thế cho cách làm truyền thống lạc hậu trước đây. Từ nguồn vốn ngân hàng chính sách, quỹ hỗ trợ nông dân, dự án "Ngân hàng bò" … bà con đã chuyển đổi sang trồng cao su, điều, tràm kết hợp xen canh cây khoai mỳ và nuôi heo, bò sinh sản. Chính mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp này đã cho nguồn thu nhập ổn định giúp đời sống kinh tế của bà dân tộc ngày càng phát triển khấm khá. Ông Điểu Út- Đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp phấn khởi nói: Đa số bà con kết hợp chăn nuôi với trồng trọt nên kinh tế khấm khá đỡ rất nhiều so với cách đây vài năm về trước. Nhà nào cũng có điều kiện mua sắm phương tiện xe máy để đi lại, thậm chí có gần 10 hộ mua được ô tô. Giờ không còn hộ nào nghèo khổ nữa, bà con cám ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ.
Một ngôi nhà khang trang trong làng dân tộc
Để tạo thuận lợi cho bà con dân tộc lưu thông và vận chuyển nông sản phát triển kinh tế hơn, qua nhiều năm, tất cả các trục đường giao thông lớn nhỏ trong làng dân tộc đều đã được bê tông, nhựa hóa, lắp đèn chiếu sáng. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài cũng thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm chăm lo đầy đủ. Đặc biệt, UBND huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa dân tộc, qua đó tạo điều kiện cho bà con có nơi vui chơi giải trí, tổ chức các lễ hội, sự kiện trọng đại, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của người Stiêng, đồng thời cũng là nơi để chính quyền các cấp truyền đạt những kiến thức phục vụ đời sống, nâng cao trình độ dân trí …
Nhà văn hóa dân tộc giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của người Stiêng
Ông Điểu Phua- Người uy tín đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp chia sẽ: Trong những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm cho con em đi học từ mẫu giáo đến đậu đại học, không có con em gia đình nào phải bỏ học, không phải để mù chữ như trước đây nữa. Ngoài ra, Nhà nước còn quan tâm làm cho cái nhà văn hóa rất khang trang để dạy cho con em biết chơi các dụng cụ của bản sắc dân tộc Stiêng như là cồng, chiêng và tuyên truyền phổ biến pháp luật của Nhà nước. Ông Đỗ Chánh Huy-Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết thêm: Được sự quan tâm chăm lo của chính quyền các cấp, đến bây giờ cuộc sống của đồng bào dân tộc Stiêng đã phát triển ổn định cả về đời sống vật chất và tinh thần. Tất cả bà con dân tộc luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào, chương trình, cuộc vận động do các cấp phát động. Đặc biệt, hàng năm làng dân tộc đều có con em tham gia nghĩa vụ quân sự và bà con cũng thường xuyên cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm, đối tượng xấu xâm nhập vào làng tuyên truyền, kích động gây rối, phả hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một số hộ dân tộc Stiêng đã sắm được cả ô tô để làm phương tiện đi lại
Có thể nói những quan tâm, giúp đỡ về đời sống vật chất và tinh thần trong thời gian qua cho thấy, các cấp chính quyền huyện Long Thành đã thực hiện rất hiệu quả các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc Stiêng. Qua đó đã giúp cho cuộc sống của bà con, bộ mặt làng dân tộc đổi thay toàn diện, từ đó bà con càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.