Tại làng dân tộc Chơ Ro ở ấp 6, xã Phước Bình huyện Long Thành vừa diễn ra Lễ hội YangVry (Hay còn gọi là Lễ hội cúng nhang rừng). Đây được xem là ngày Tết riêng của bà con dân tộc nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho một năm sản xuất nông nghiệp bội thu, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa để niên vụ 2025 tiếp tục đạt nhiều thắng lợi. Lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hóa văn hóa đặc trưng riêng biệt của đồng bào dân tộc Chơ Ro.

Nhà văn hóa dân tộc Chơ Ro
Chương trình Lễ hội YangVry đã diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa-thể thao sôi nổi như: Thi đấu nhảy bao bố, kéo co; biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia … đặc biệt là nấu cơm Lam bằng ống nứa. Cơm Lam được xem như thành quả sau một năm lao động vất vả, là một món ăn đặc biệt của bà con dân tộc Chơ Ro dâng lên bàn thờ tổ tiên cùng với thịt heo, gà và rượu cần với mong ước sang năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bà Dương Thị Hường-Đồng bào dân tộc Chơ Ro ở ấp 6, xã Phước Bình cho biết: Trước tiên mình chặt ống, xong về lau ống cho sạch đi, chỉ lau ở ngoài thôi, không có súc bên trong ống, nếu mình súc ống thì cái chất cơm Lam không còn thơm mùi ống nứa nữa. Sau đó mình xúc gạo ngâm, xong rồi bỏ gạo vô trong ống, cho lửa riu riu, cho than thôi, lửa nhiều quá bánh sẽ bị cháy. Khi bánh gần chín mình sẽ lấy nước vuốt bánh, trở bánh thì cơm lam sẽ đạt yêu cầu, sẽ dẻo, cơm phải không nhão thì mới đạt yêu cầu.

Bà con dân tộc Chơ Ro tham gia nấu cơm Lam
Được biết Lễ hội YangVry được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm của đồng bào dân tộc Chơ Ro. Mục đích của lễ hội là cầu mong các thần linh gồm: Thần sông, thần núi, thần rừng ... phù hộ giúp đỡ cho bà con dân tộc có sức khỏe làm ăn trúng mùa để đời sống được ấm no, gia đình hạnh phúc. Xưa kia lễ hội thường kéo dài trong nhiều ngày đêm, hiện nay do nhận thức của người dân đã thay đổi nên chỉ tổ chức trong một buổi sáng, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghi thức, dâng lễ vật lên thần linh. Ông Đào Văn Được-Người uy tín Làng dân tộc Chơ Ro ở ấp 6, xã Phước Bình cho biết: Lễ hội YangVry là dịp để tập hợp bà con dân tộc giao lưu văn hóa-thể thao sôi nổi, từ đó bà con sẽ phấn đấu lao động sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều của cải vật chất, giúp cho làng dân tộc ngày càng phát triển sung túc hơn. Ngoài ra, đây cũng là dịp để chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao kiến thức cho bà con về phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là đề cao cảnh giác những âm mưu của các thế lực thù địch dụ dỗ gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nghi thức cúng nhang rừng
Người Chơ Ro là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.500 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu, riêng Làng dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình, huyện Long Thành có 150 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Người Chơ Ro tin mọi vật đều có linh hồn và tin vào sự chi phối con người của thế giới thần linh, lễ hội YangVry chính là một trong những tín ngưỡng thờ đa thần của bà con trước khi bước vào niên vụ sản xuất mới hàng năm. Bà Lê Nguyên Thùy Linh-Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Long Thành cho biết thêm: Huyện Long Thành có 17 thành phần các dân tộc. Trong đó có 3 dân tộc sinh sống tập trung thành làng gồm: Làng dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình, dân tộc Stiêng xã Tân Hiệp và dân tộc Chăm xã Bình Sơn. UB huyện cũng đã đầu tư xây dựng Nhà văn hóa cho 3 làng dân tộc này và đầu tư các nhạc cụ, để nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Riêng đối với dân tộc Chơ Ro ở xã Phước Bình có Lễ hội YangVry để cầu cho mùa màng bội thu.

Tiết mục múa cồng chiêng tại Lễ hội
Có thể nói, Lễ hội YangVry là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Chơ Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở Đồng Nai nói riêng, miền Đông Nam Bộ nói chung. Qua đó cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong chăm lo đầy đủ về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.