Đình làng Nam Bộ (hay gọi tắt là đình thần) là nơi thờ thần Thành hoàng do cộng đồng dân cư lập nên vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Từ đó, ngôi Đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Tại huyện Long Thành, những năm qua, song song với phát triển kinh tế, công tác trùng tu, bảo dưỡng các ngôi Đình làng luôn được các cấp chính quyền quan tâm để bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo thư tịch lưu trữ, Đình thần Phước Nguyên có từ năm 1851 thời vua Tự Đức do những cư dân đầu tiên đến vùng đất xã An Phước khai hoang sinh sống lập nên. Năm 1974 Đình được nâng cấp một số hạng mục từ kinh phí đóng góp của các mạnh thường quân nhưng kết cấu cơ bản vẫn giữ nguyên gồm: Bình phong, chánh điện, hậu đình lợp mái bằng ngói cùng với Sắc vua phong Thành hoàng làng và các bức hoành phi, liễn đối, họa tiết rồng bay, chạm trổ chữ nho … Đến năm 2021, Đình thần Phước Nguyên được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh mang lại vinh dự cho chính quyền và nhân dân địa phương.

Đình thần Phước Nguyên- Di tích lịch sử cấp tỉnh
Ông Nguyễn Văn Nhạn– Trưởng Ban Tế tự Đình thần Phước Nguyên, xã An Phước cho biết: Đình thần này do các ông bà ngày xưa lập ra là để cúng tế thần thánh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn không bị thú dữ hay lục lâm thảo khấu quấy phá, để bà con làm ăn sinh sống được thuận lợi. Ngoài ra, Đình còn là nơi nơi tụ họp dân làng yến ẩm, vui chơi vào các dịp lễ, Tết, cũng như thông báo những việc quan trọng. Còn ngày nay, Đình chỉ tổ chức Lễ hội Kỳ Yên mỗi năm một lần, là dịp để người dân có nguồn gốc ở địa phương tụ họp về cúng bái, gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Ông Nguyễn Thanh Tùng-Trưởng Ban Nhân dân ấp 2, xã An Phước cho biết: Hàng năm, cứ vào dịp 12/11 âm lịch, Ban nghi lễ Đình thần đều phối hợp chính quyền địa phương long trọng tổ chức Lễ hội Kỳ Yên. Lễ hội đã thu hút đông đảo người dân trong vùng đến tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ và thực hiện các nghi thức lễ trang trọng như: Lễ cúng yết; lễ đại bội các vị thần linh, Tổ nghề nghiệp, tiền hiền, hậu hiền; lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để bà con nhân dân làm ăn khấm khá, đời sống kinh tế ngày càng phát triển.
Đình thần Phước Lộc - Di tích lịch sử cấp tỉnh
Thống kê, toàn huyện có 15 Đình thần do cộng đồng dân cư lập ra trong nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều nhất là vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi những di dân từ miền Bắc vào Long Thành sinh sống. Trong đó, Đình thần Phước Lộc ở thị trấn Long Thành, Đình thần Phước Nguyên và Đình thần An Lợi ở xã An Phước được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Vào dịp tháng 11 âm lịch hàng năm, lần lượt các ngôi Đình sẽ tổ chức Lễ hội Kỳ Yên với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nghi thức lễ trang trọng. Đặc biệt, một số ngôi Đình thần đã trở thành nơi hội họp, liên lạc của cán bộ, chiến sỹ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ càng tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử. Ông Nguyễn Trí Thức-Phó Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Long Thành cho biết thêm: Theo dòng lịch sử thì các ngôi Đình đều gắn liền với đời sống mỗi cộng đồng dân cư và các hoạt động chung của xóm làng, cũng như có thể coi là biểu tượng của làng, nơi linh thiêng trong tâm thức của mỗi người. Do đó trong những năm qua, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện đều quan tâm trùng tu, bảo dưỡng các ngôi Đình để bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử. Ngoài ra, tại một số Đình còn xây dựng Nhà bia tưởng niệm để cán bộ và nhân dân thờ cúng liệt sỹ, nhằm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Đình thần An Lợi - Di tích lịch sử cấp tỉnh
Có thể nói, Đình thần là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Giờ đây, Lễ hội Kỳ Yên tổ chức hàng năm ở các ngôi Đình không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi hội tụ, gắn bó người dân địa phương với nhau để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, cũng như gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.