Xác định đào tạo nghề cho lao động địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, những năm qua, huyện Long Thành luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề, thông qua tổ chức nhiều chương trình đào tạo gắn kết với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đặc biệt ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng lao động địa phương có trình độ học vấn, năng lực đổi mới sáng tạo và tổ chức sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển của huyện, những năm qua UBND huyện thường xuyên rà soát, cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu công nghệ, quy trình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong 5 năm (2020 - 2024) huyện Long Thành đã hiải quyết việc làm mới cho 28.966/25.000 lao động, đạt tỷ lệ 115,86% so với Nghị quyết đề ra; đào tạo nghề các hệ cho 15.038/10.000 học viên, đạt tỷ lệ 150,38% so với Nghị quyết đề ra tại các Trung tâm dạy nghề công lập, các cơ sở dạy nghề tư nhân. Chỉ tính trong năm 2024, huyện Long Thành đã có 5.876/5.000 lao động được hỗ trợ tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đạt 117,52% chỉ tiêu Nghị quyết được giao. Cùng với đó, thực hiện tuyển sinh mới các hệ cho 3.165/2.000 học viên tại các Trung tâm dạy nghề công lập, các cơ sở dạy nghề tư nhân đạt 158,25% chỉ tiêu Nghị quyết giao, so với cùng kỳ năm trước tăng 16%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 66%; tỷ lệ lao động đào tạo từ Trung cấp trở lên đạt 31% và tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 36%. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm 1,45%; ở khu vực nông chiếm 3,2%.


Tổ chức nhiều Hội thảo hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện năm 2024
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm GNNN-GDTX huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn học nghề và chiêu sinh các lớp đào tạo nghề cho người lao động nông thôn trên địa bàn; tổ chức các mô hình thí điểm dạy nghề để chuyển đổi nghề nghiệp của lao động địa phương; liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động sau học nghề. Tính trong năm 2024, có 60 học viên tốt nghiệp tại Trung tâm với các nghề: kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật điện lạnh, tin học văn phòng, lắp đặt điện công nghiệp. Sau tốt nghiệp, nhiều học viên đã tham gia các lớp liên thông lên Cao đẳng, Đại học theo hệ vừa học vừa làm, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ nguồn nhân lực của địa phương. Hầu hết các học viên đều có việc làm ổn định tại công ty hoặc mở cửa hàng kinh doanh, sửa chữa. Ngoài ra có 32 học viên tiếp tục học liên thông đại học từ xa chuyên ngành Luật nằm trong chương trình liên kết với Trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh.
Trung tâm GNNN-GDTX huyện thường xuyên chiêu sinh các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động trên địa bàn
Thực hiện Đề án Đào tạo nhân lực phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức 04 sàn giao dịch việc làm trên địa bàn huyện. Kết quả có 43 đơn vị đăng ký với nhu cầu tuyển dụng với số lượng 9.473 lao động; tư vấn việc làm cho 725 lượt lao động, tiếp nhận 576 hồ sơ. Trong đó có 03 trường tham gia tư vấn tuyển sinh, đào tạo gồm: Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế LILAMA2, Trường Cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai và Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi. Qua rà soát, tư vấn việc làm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phòng ban đã phối hợp chặt chẽ với các xã, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, nhờ đó tạo được thuận lợi trong công tác đào tạo nghề và triển khai các đề án. Đến nay Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã liên kết với 2 đơn vị là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) và Học viện hàng không Vietjet để đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không, như: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay…

Học viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành với mô hình máy bay tự chế tạo
.jpg)
Ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành hàng không giữa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2
Tiếp tục đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, năm 2025, huyện Long Thành đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 5.000 lao động, đào tạo và dạy nghề cho 2.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 75%, trong đó đào tạo nghề đạt 66%; tỉ lệ lao động đào tạo từ trung cấp nghề trở lên đạt từ 30% trên tổng số lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,4%, nông thôn dưới 3,5%. Để thực hiện các chỉ tiêu trên, huyện Long Thành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động địa phương, đặc biệt đối với lao động nông thôn. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, mô hình hiệu quả sau đào tạo. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng phát triển xây dựng nông thôn mới; xây dựng mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động theo vùng, hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm yếu thế, lao động khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ. Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua việc cập nhật, chuẩn hóa chương trình, chú trọng thực hành, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; đào tạo nghề gắn với phát triển kỹ năng số, sản xuất hiện đại; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ lao động có trình độ, năng lực đổi mới sáng tạo. Ngoài ra đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là ở những ngành, nghề, những nơi có điều kiện; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Học viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai tham quan Nhà máy Thép Posco, liên kết đầu ra cho sinh viên theo học tại trường

Tập trung công tác đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển huyện nhà giàu mạnh, hiện đại, văn minh
Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương những năm qua trên địa bàn huyện Long Thành cơ bản đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng. Nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng; mạng lưới cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được kiện toàn, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước gắn với nhu cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân. Thời gian tới, huyện Long Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, qua đó tạo được việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.