Thực hiện nhiệm vụ đột phá chiến lược, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương, huyện Long Thành nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm".

Vườn cây Dâu da tại xã An Phước, huyện Long Thành
Cụ thể, để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu tới môi trường, huyện Long Thành xác định một số nhiệm vụ cơ bản bao gồm: Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản sạch và phù hợp với yêu cầu của thị trường; Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm; Ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra tập trung nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại 2 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ có diện tích 150 ha ở xã Cẩm Đường; tiếp tục thực hiện mô hình bón phân hữu cơ cho vườn cây măng cụt của các hộ nông dân ở ấp 2, xã An Phước nhằm tạo ra sản phẩm măng cụt sạch đến với người tiêu dùng. Đối với các loại cây ăn trái khác, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt là trong việc chế biến các chất mùn thải trong hoạt động sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, thành các loại phân bón hữu cơ để phục vụ lại cho sản xuất, phát triển một cái ngành nông nghiệp mang tính chất tuần hoàn, từng bước hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân có thu nhập ổn định trên địa bàn.