Những năm qua, bên cạnh sự quan tâm chăm lo của các cấp chính quyền, đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bằng nhiều mô hình sản xuất. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò sinh sản mang lại nguồn thu nhập cao, bền vững hơn so với những vật nuôi khác được bà con lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Đường vào làng dân tộc Stiêng xã Tân Hiệp
Là một trong những hộ nghèo ở làng dân tộc Stiêng xã Tân Hiệp. Cách đây nhiều năm, khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn, ông Điểu Út quyết định mua một cặp bò giống về nuôi. Nhờ chịu khó bỏ công chăn thả, chăm sóc mà bò của ông chóng lớn, nhanh sinh sản, tăng dần số lượng nuôi lên đến 15 con. Hiện tại, mỗi năm ông xuất bán từ 3 đến 7 con bò thịt và cũng chừng đó bò con sinh ra, giúp cho đời sống kinh tế của gia đình ngày càng trở nên sung túc hơn. Ông Điểu Út- Đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp phấn khởi nói: Từ khi nuôi bò tới nay, thu nhập từ bán bò đã giúp ích rất nhiều cho kinh tế. Mỗi năm tôi bán vài con bò để trang trãi chi phí cuộc sống gia đình, nuôi nhiều năm như vậy thì mình có dư ra để sửa sang nhà cửa, mua tivi, tủ lạnh, xe máy, kể cả xe ô tô để đi lại, về thăm quê. Cũng nhờ nuôi bò mà giờ kinh tế gia đình không còn khó khăn túng thiếu như ngày xưa nữa, con cái cũng được học hành đầy đủ, tinh thần thoãi mái.
Kinh tế gia đình ông Điểu Út khấm khá nhờ chăn nuôi bò sinh sản
Đến nay trong làng dân tộc Stiêng đã có tổng số 17 hộ tham gia nuôi bò sinh sản, hộ nuôi ít nhất 3 con, nhiều nhất lên đến 30 con. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Stiêng, nuôi bò sinh sản rất phù hợp với vùng đất này, vì sẵn có các trảng cỏ và phế phẩm nông nghiệp để bò ăn, mà không phải tốn tiền mua thức ăn, đồng thời chăn thả trong môi trường tự nhiên bò sẽ chóng lớn. Nuôi bò cũng không bị giới hạn thời gian, dễ chăm sóc và ít bị dịch bệnh hơn heo, gà. Cũng từ đồng tiền sinh lời nuôi bò, các hộ dân tộc Stiêng đã đầu tư sang các loại cây trồng khác giúp cho kinh tế gia đình thêm phát triển sung túc. Ông Điểu Phua- Đồng bào dân tộc Stiêng ở xã Tân Hiệp chia sẽ: Việc chăn nuôi bò sinh sản không tốn kém công sức gì nhiều, mình chịu khó đi cắt cỏ về cho bò ăn, hoặc chăn dắt nó ra đồng cỏ tự nhiên để nó ăn, tối về cho ở trong chuồng, không ở ngoài mưa. Mặc dù con bò nó rất khỏe nhưng mình cũng phải dọn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại mỗi ngày và chích ngừa các bệnh lỡ mồm, long móng, như vậy bò bệnh hơn. Hễ mà bò đẹp, mập thì thương lái sẽ mua giá cao, mình có tiền nhiều hơn.
Đàn bò của một hộ đồng bào dân tộc Stiêng
Ông Bùi Quang Ba-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hiệp cho biết: Hiện tại tổng đàn bò trong làng dân tộc Stiêng khoảng gần 300 con, phải nói đây là cái nguồn kinh tế cho thu nhập ổn định của bà con dân tộc. Nếu nuôi heo, gà, vịt đến thời gian xuất chuồng dù giá thấp cũng buộc phải bán, còn con bò thì để lâu dài, thời gian này bán không được, bà con sẽ để dành bán dịp khác. Nên trong thời gian sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn vay cho những hộ dân tộc còn lại tham gia nuôi bò sinh sản, để đời sống kinh tế của bà con ngày càng phát triển khấm khá hơn
Cùng với sự vươn lên của bà con dân tộc Stiêng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua các cấp chính quyền huyện Long Thành cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Nhà văn hóa trong làng dân tộc … Những chăm lo này sẽ là động lực thúc đẩy bà con dân tộc thêm hăng hái, nỗ lực chăn nuôi, trồng trọt tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phát triển kinh tế bền vững hơn.