Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng cao mang lại nhiều lợi nhuận cho người nuôi. Song theo các chủ trại có kinh nghiệm thì bà con cần phải cân nhắc việc tái đàn hay tăng đàn phù hợp với thị trường, chứ không nên chạy theo giá cả, quan trọng là thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh trên đàn heo. Ghi nhận tại huyện Long Thành là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn của tỉnh.
Hộ ông Trương Công Hải ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An có đàn heo thường xuyên duy trì nuôi từ 400-500 con, với nguồn giống do heo mẹ trong đàn sinh sản ra. Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng cao cho lợi nhuận từ 1 triệu-1,5 triệu đồng/tạ heo hơi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, từng trãi qua giai đoạn giá heo hơi bị giảm sâu năm 2017 do cung vượt cầu, khiến cho các cấp chính quyền phải tổ chức “Chiến dịch giải cứu" heo, từ bài học sâu sắc đó nên ông Hải không mở rộng chuồng trại, tăng thêm đàn heo. Ông Trương Công Hải -Chủ trại chăn nuôi heo ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An cho biết: Trước Tết giá heo hơi là 68-70 ngàn đồng/kg, sau Tết thì giá heo tăng lên 80 ngàn đồng/kg được khoảng một tháng thì xuống lại, hiện nay giá nằm khoảng 70-72 ngàn đồng/kg heo hơi. Nếu mà tăng đàn thì sẽ không kiểm soát được dịch bệnh, nên tôi không tăng đàn.
Ông Trương Công Hải không tăng đàn dù giá heo hơi gia tăng
Trong khi các trại chăn nuôi heo quy mô lớn như ông Hải không dám tăng đàn do e ngại cung vượt cầu, đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ lại càng dễ gặp rủi ro hơn nếu gia tăng số lượng heo, bởi nhiều hộ sử dụng các nguồn vốn vay để chăn nuôi. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mùa với nắng, mưa thất thường, đây chính là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát lây lan trên đàn heo, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi. Được biết để nuôi một con heo, người nuôi phải đầu tư khoảng 5 triệu đồng cho các khoản chi phí con giống, thức ăn, thuốc, vắc xin, nhân công … Ông Võ Hữu Thời-Chủ trại chăn nuôi heo ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An cho biết: Thời tiết chuyển mùa thì tất nhiên là con heo sẽ có một số bệnh nguy hiểm như: Bệnh phổi, tiêu chảy là thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi. Nên mình trước hết phải vệ sinh chuồng trại, thứ hai là phải tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, trang trại tiếp xúc với những người lạ ra vô và xe cộ đều phải khử trùng. Ông Bùi Minh Hiếu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết thêm: Về phía địa phương cũng đã khuyến cáo bà con nông dân không ùn ùn tăng đàn khi thấy giá heo hơi tăng, vì khi số lượng heo nuôi quá nhiều sẽ dẫn đến cung vượt cầu, khi đó giá bán sẽ giảm lại, bà con mình lại khốn đốn. Cũng như việc ùn ùn tăng số lượng nuôi thì khâu kiểm soát các dịch bệnh sẽ không chặt chẽ, bệnh dễ xuất hiện và lây lan trong đàn heo. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị các cấp kiểm soát chặt chẽ giá thịt heo trên thị trường, tránh tình trạng sốt giá ảo kích thích người nuôi tăng đàn, chạy theo phong trào.
Nông dân xã Bình An thực hiện tiêu độc khử trùng trại heo
Hiện tại, tổng đàn heo trên địa bàn huyện đang duy trì hơn 100.000 con, Các xã có nhiều người tham gia nuôi heo để tận dụng nguồn thực phẩm ở địa phương bao gồm: Lộc An, Bình An, Cẩm Đường, Bàu Cạn và Tân Hiệp. Mặc dù rất phấn khởi nhưng người nuôi vẫn rất tỉnh táo, không vì thấy giá heo tăng mạnh mà ồ ạt tái đàn hay tăng đàn để tránh cung vượt quá cầu.