Xác định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn giúp người dân có thu nhập cao, thời gian qua, huyện Long Thành đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ngăn ngừa sự phát sinh, lây lan của các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi thủy sản ổn định, bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 58 trang trại chăn nuôi heo và 14 trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; tổng đàn gia súc, gia cầm có khoảng 5,2 ngàn con trâu, bò; trên 97 ngàn con heo và hơn 1,8 triệu con gia cầm. Đồng thời Long Thành cũng là huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích 613,17 ha, trong đó diện tích nuôi không tính hồ chứa là 264 ha, sản lượng 1.861 tấn, tập trung ở các xã Phước Thái, Long Phước, Bàu Cạn và Tam An. Đến nay có hơn 50 hộ có giấy phép khai thác thủy sản và chủ yếu đánh bắt bằng ngư cụ te. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản hiệu quả, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức triển khai các đợt tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh trên toàn huyện. Cùng với đó xây dựng 41 trang trại an toàn dịch bệnh, trong đó có trang trại an toàn với bệnh dịch tả heo và lở mồm long móng; trang trại gà an toàn với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Hầu hết các đàn gia súc, gia cầm đều đạt tỷ lệ tiêm phòng các loại bệnh từ 94 – 98%. Nhờ vậy mà trong năm 2024, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy vậy, trên địa bàn huyện còn một số hộ nuôi nhỏ lẻ chưa áp dụng biện pháp an toàn sinh học dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên diện rộng là hiện hữu nếu các địa phương lơ là phòng, chống dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát
Dưới tình hình thời tiết đang có diễn biến bất thường do mưa trái mùa xảy ra liên tục trong cao điểm nắng nóng thì thiệt hại xảy ra với đàn gia súc, gia cầm, thủy sản là rất khó lường. Việc mưa trái mùa với lượng mưa khá lớn gây ngập úng là yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe gia súc, gia cầm; mặt khác khi mưa to có thể tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, chăm sóc gia súc, gia cầm giúp tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết và để hạn chế phát sinh dịch bệnh là rất cần thiết. Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa hè, ngành nông nghiệp Long Thành đã chủ động thực hiện các biện pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nguy cơ tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi lợi ích của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Khẩn trương rà soát, chuẩn bị tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi. Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chỉ đạo quản lý hoạt động đối với các cơ sở, hộ kinh doanh giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn. Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại địa phương, triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường theo đúng kế hoạch.

Bảo đảm các biện pháp chăn nuôi heo an toàn theo hướng sinh học
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn tích cực tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, để phát triển chăn nuôi trở thành thế mạnh của địa phương. Trong đó áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y. Qua đó giúp thịt heo hơi cũng như các loại gia súc, gia cầm, thủy sản giữ giá ổn định, tạo động lực cho người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời là hướng đi thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa hiệu quả đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện và thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao.