Mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp để kinh tế gia đình phát triển theo hướng bền vững. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp của ông Trương Công Hải ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành đã mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, cùng với công tác bảo vệ môi trường luôn được ông quan tâm thực hiện trong quá trình sản xuất, hình thành nên trang trại kiểu mẫu.
Theo đó, cách đây 15 năm, ông Trương Công Hải quyết định vay mượn vốn, chuyển gần 2 ha đất rẫy trồng cây tạp sang đầu tư mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Trong đó, một nửa diện tích đất được trồng cây tràm, cây ăn trái, phần diện tích còn lại ông đào ao nuôi cá, dựng chuồng trại nuôi vài chục con heo sinh sản và heo thịt. Từ lợi nhuận thu được ông Hải tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển thêm đàn heo để làm nguồn thu nhập chủ lực. Chính mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp này đã giúp cho kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển sung túc, từ nghèo khó vươn lên thành hộ khá giả ở địa phương. Ông Trương Công Hải-Chủ trại chăn nuôi heo ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An phấn khởi nói: Tôi phát triển mô hình vườn-ao-chuồng để khi con heo bị rớt giá, cũng còn có cá và cây tràm. Mình kết hợp hai, ba thứ để nếu có rớt giá cái này thì cũng còn vớt vát cái khác, để cho đảm bảo cái thu nhập hàng tháng, hàng năm của mình. Tổng thu nhập vườn-ao-chuồng của tôi thì mỗi năm kiếm được 200-300 triệu đồng, cũng đủ chi phí cho các sinh hoạt trong cuộc sống gia đình.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường cũng luôn được ông Hải quan tâm thực hiện trong quá trình sản xuất. Khi đàn heo phát triển lên 500 con thì bể tự hủy không thể chứa hết lượng phân thải ra mỗi ngày. Nên ông Hải quyết định xây dựng hầm bioga kiểu túi ủ bằng nhựa PE để giữ cho môi trường quanh trại không bị ô nhiễm, đồng thời giúp tạo ra khí ga để dùng trong nấu nướng và chạy máy phát cung cấp điện năng phục vụ cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong gia đình với hơn 100 kw/ngày, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tiền sử dụng điện lưới Quốc gia hàng tháng. Ông Trương Công Hải -Chủ trại chăn nuôi heo ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An cho biết: Tôi nuôi heo thì làm bioga để khỏi phải xả thải nguồn phân ra ngoài gây ảnh hưởng đến môi trường. Cái bioga rất có lợi, tôi lấy ga chạy điện, lấy ga chà bắp, nói chung là bioga làm hết mọi việc nấu ăn, xay bắp, phát điện. Nếu không có bioga, mỗi tháng tôi phải trả khoảng 12 triệu đồng tiền điện, nhưng giờ giảm 7 triệu, chỉ trả 4 hay 5 triệu đồng là cao.
Mô hình vườn-ao-chuồng phát triển kinh tế gia đình của ông Trương Công Hải
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, thời gian qua, về phía Hội Nông dân xã cũng có phát động Hội viên Nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là hộ ông Trương Công Hải đã áp dụng mô hình vườn-ao-chuồng để phát triển kinh tế cho gia đình, cũng như áp dụng mô hình bioga vào sản xuất chăn nuôi để bảo vệ môi trường xung quanh. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động Hội viên áp dụng mô hình trang trại vườn-ao-chuồng giống như hộ ông Hải để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Ông Bùi Minh Hiếu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết thêm.
Có thể nói, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt gắn với công tác bảo vệ môi trường của ông Trương Công Hải, đáng cho nông dân các địa phương thực hiện theo trong phát triển quy mô kinh tế trang trại để tạo ra thu nhập ổn định, đời sống kinh tế phát triển bền vững mà vẫn bảo vệ được môi trường sống của cộng đồng.
Hầm bioga kiểu túi ủ bằng nhựa PE để giữ cho môi trường quanh trại heo không bị ô nhiễm