Những năm qua, tận dụng lợi thế đất đai, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Long Thành đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi bò sữa. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn so với những vật nuôi khác Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo hoặc phát triển ổn định kinh tế trang trại.
Ông Huỳnh Văn Lập đang cho bò ăn cỏ
Cách đây hơn 10 năm, ông Huỳnh Văn Lập ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An quyết định vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng chính sách xã hội huyện mua 3 con bò sữa giống về nuôi, cùng với chuyển đổi hơn 1 ha đất vườn tạp sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn cung thức ăn cho bò. Đến nay đàn bò của ông thường xuyên nuôi duy trì 12 con, trong đó có 8 con đang cho sữa mang lại nguồn thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ năm. Mô hình nuôi bò sữa không chỉ giúp cho gia đình ông Lập thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả tại địa phương. Ông Huỳnh Văn Lập-Chủ trại bò sữa ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An phấn khởi nói: Hiện nay, trại bò sữa của tôi mỗi ngày thu hoạch được khoảng 50 lít, với giá bán ra 30 ngàn đồng/lít mỗi tháng gia đình tôi thu được 45 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tiền điện và tiền mua cám bổ sung dinh dưỡng cho bò cũng còn lời được 30 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy thì cuộc sống của gia đình cũng thoãi mái chi tiêu trong sinh hoạt, không còn khó khăn như ngày xưa nữa
Ông Huỳnh Văn Lập thu hoạch sữa bò
Nhận thấy nuôi bò sữa có nhiều ưu điểm hơn những vật nuôi khác, nên ngày càng có nhiều hộ nông dân ở xã Lộc An và các xã khác trên địa bàn huyện như: An Phước, Cẩm Đường, Long Phước có đất trồng cỏ tham gia nuôi từ vài con đến hàng chục con từ các nguồn vốn vay, kết hợp vốn đối ứng của gia đình, đời sống kinh tế của các hộ nhờ đó mà phát triển khấm khá hơn trước. Theo kinh nghiệm của bà con, mặc dù con bò sữa ít bệnh tật nhưng người nuôi vẫn phải thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng bệnh để bò mau lớn, nhanh sinh sản, đặc biệt là cho nhiều sữa. Ông Nguyễn Trung Sơn-Chủ trại bò sữa ở ấp Bình Lâm, xã Lộc cho biết: Về kỹ thuật nuôi bò sữa cũng dễ thực hiện. Trước tiên chúng ta cần vệ sinh chuồng trại mỗi ngày cho sạch sẽ để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm gây bệnh cho bò. Thứ hai là tiêm phòng mỗi năm 2 lần để ngừa bệnh lỡ mồm long móng. Về vắt sữa, sáng vắt một lần, chiều một lần đúng theo giờ quy định, nếu vắt khác giờ sẽ gây rối loạn tuyến sữa của con bò. Sau khi vắt sữa xong, nhớ vệ sinh vú của bò để hạn chế xảy ra bệnh viêm vú và phải cho bò ăn đầy đủ thì mới có sữa nhiều.
Trại bò sữa của ông Nguyễn Trung Sơn
Hiện tại sữa bò do các trại trên địa bàn xã sản xuất mỗi ngày đều được chế biến ra các loại sản phẩm sữa tươi, sữa chua là những thực phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Sản phẩm sữa được các chủ trại tổ chức kinh doanh và mang cung ứng cho các cửa hàng, tiệm tạp hóa và các chợ, trạm dừng chân trên địa bàn huyện. Qua đánh giá, mô hình nuôi bò sữa rất phù hợp cho những hộ nông dân có đất trồng cỏ, bò dễ nuôi và ít bệnh tật, sản phẩm sữa cũng dễ tiêu thụ trong đời sống hàng ngày, cho nguồn thu nhập ổn định. Ông Bùi Minh Hiếu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết thêm.
Có thể nói, mô hình nuôi bò sữa tuy không mới, nhưng đây là hướng đi khả quan nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, phát triển kinh tế nông hộ theo hướng bền vững, khi mà lĩnh vực Thương mại-Dịch vụ trên địa bàn huyện đang ngày càng phát triển sôi động ăn theo các dự án giao thông mang tầm Quốc gia.