Liên quan đến ca mắc cúm A(H5) ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ do một bé gái có ăn thịt ngan, gà bệnh bị lây nhiễm, để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, ngành Y tế huyện Long Thành đề nghị các ban ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người.

Tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người
Hiện điều kiện thời tiết thay đổi bất thường là môi trường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển cộng với hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể làm gia tăng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, các ban ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người tại các khu vực có nguy cơ cao, người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng, tránh; khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn về các nội dung phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người cho cán bộ thú y tuyến cơ sở; tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5). Ngoài ra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch. Khi phát hiện trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, phải kịp thời lấy mẫu xét nghiệm và xử lý triệt để không để bệnh lây lan ra cộng đồng.