THÔNG TIN KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN LONG THÀNH
1. Đặc điểm tự nhiên, lịch sử:
Long Thành là một huyện nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, về mặt địa lý huyện nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế động lực phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, cách TP.HCM 60km, Biên Hòa 33km, Vũng Tàu 60km, Bình Dương 40km; phía đông giáp huyện Cẩm Mỹ và thị xã Long Khánh; phía tây giáp huyện Nhơn Trạch và quận 9 TP. Hồ Chí Minh; phía Bắc giáp TP. Biên Hòa; phía Nam giáp huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho yêu cầu phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, hầu hết diện tích đất tự nhiên thuộc loại đất xám trên nền phù sa cổ và đất ba-zan có kết cấu khá bền vững thuận lợi trong xây dựng cơ bản, phát triển công nghiệp. Về khí hậu, Long Thành thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, hầu như không có bão và lũ lụt, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển, là điểm giao lưu của các tuyến giao thông huyết mạch, Long Thành có đủ diều kiện thuận lợi để mời gọi, thu hút đầu tư thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trước một bước so với địa phương khác trong khu vực.
Khi vào tiếp quản (28/4/1975), huyện Long Thành có 21 xã, diện tích 911km2 , dân số 170.000 người ( theo hồ sơ của chính quyền nguỵ làm năm 1970). Tháng 01-1976, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch được sát nhập, lấy tên là huyện Long Thành. Cơ cấu đơn vị hành chính của huyện gồm 01 thị trấn và 30 xã, số dân trên 200.000 người. Đến ngày 01/9/1994, huyện Long thành chính thức tách thành 2 huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành gồm 01 thị trấn và 18 xã. Trước ngày 01/4/2010 toàn huyện có diện tích tự nhiên 53,482ha, dân số trên 282.000 người, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 18 xã và 01 thị trấn). Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 05/2/2010 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Thành để mở rộng địa giới hành chính thành phố Biên Hòa, tách 04 xã cua huyện Long Thành chuyển giao về thành phố Biên Hòa. Hiện nay, diện tích tự nhiên của huyện Long Thành còn lại 43.101ha, dân số hơn 200.000 người, có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 14 xã và 01 thị trấn).
2. Đặc điểm kinh tế - xã hội:
- Huyện Long Thành là địa bàn chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, sau ngày đất nước thống nhất là huyện yếu kém về kinh tế. Sau hơn 35 năm vượt qua những khó khăn, thử thách, nay đã trở thành huyện phát triển của tỉnh Đồng Nai.
- Từ năm 1996 đến nay, cùng góp phần và sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả nước, kinh tế huyện Long Thành phát triển theo chiều hướng thuận lợi, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực trong cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Sự thay đổi tỷ trọng của các ngành trong cơ cấu kinh tế cũng cho thấy sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế phát triển đúng hướng. Nếu như trước năm 1990, tỷ trọng các ngành theo thứ tự công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ là 5% - 65% - 30% thì đến năm 2000 là 49% - 26% - 25% và đến năm 2013 là 59,92%- 6,89% - 33,2%; Tỷ trọng trên thể hiện cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện. Kinh tế phát triển trong những năm qua đã cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, bình quân thu nhập đầu người gia tăng đáng kể.
- Về giáo dục: Huyện có 02 trường cao đẳng: Trường CĐ nghề khu vực Long Thành- Nhơn Trạch; trường CĐ nghề Lilama 2; có 04 Trường THPT, 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 14 trường THCS, 23 trường tiểu học và trên 24 trường mầm non mẫu giáo. Công tác dạy và học được địa phương hết sức chú trọng, đã có nhiều học sinh, sinh viên đạt được các giải cao trong các cuộc thi trong khu vực và trong nước.
- Về văn hóa - văn nghệ - thể thao: Hiện nay, huyện có 01 Trung tâm Văn hóa – Thông tin – thể thao huyện, 01 sân bóng, 01 Thư viện – Nhà truyền thống huyện, 11 Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng xã, 03 Nhà văn hóa dân tộc. Huyện thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhằm đào tạo tài năng âm nhạc như: Giọng hát hay huyện Long Thành; Hội thi Karaoke; Hội thi Hoa phượng đỏ… Về lĩnh vực thể thao, hàng năm tổ chức trên 15 giải thi đấu thể thao cấp huyện, ngoài ra còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức nhiều loại hình thể thao phong trào để tạo điều kiện cho cán bộ - công nhân viên chức, người lao động và nhân dân tham gia thi đấu để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại”.