Ngày 17/08/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách nhân văn, nhằm giúp những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống khi trở về địa phương.
Quyết định số 22 quy định: đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa đối với người chấp hành xong án phạt tù là 100 triệu đồng/người; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Phương thức cho vay thông qua hộ gia đình; đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng CSXH.
Nhằm đưa Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đối sớm đi vào thực tiễn cuộc sống và giúp các đối tượng chấp hành xong án phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời. Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Thành đã tích cực triển khai, thực hiện các chương trình cho vay. Đến nay chương trình đã mở ra nhiều cơ hội cho người người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Long Thành đã được vay vốn, vươn lên ổn định cuộc sống. Tính đến ngày 30/11/2024, Phòng giao dịch Ngân hành chính sách xã hội(NHCSXH) huyện Long Thành đã giải ngân cho 4 khách hàng với số tiền 350 triệu đồng. Từ nguồn vay này, các hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt góp phần cải thiện cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Trong số các cá nhân được thụ hưởng chính sách nhân văn này, phải kể đến anh Nguyễn Tiến Thịnh sinh năm 1988 cư ngụ tại xã Bàu Cạn. Khi được Công an huyện, Công an xã Bàu Cạn và Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cùng chính quyền địa phương tuyên truyền về Quyết định số 22 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Anh Thịnh đã mạnh dạn vay số tiền 100 triệu đồng để mở quán cà phê và sân bóng chuyền. Đến nay, sau gần 1 năm vay vốn anh chấp hành đúng quy định của ngân hàng trả lãi hàng tháng và trả dần vốn vay từ nguồn thu nhập kinh doanh, thu nhập bình quân được khoảng 10 triệu đồng/tháng từ việc kinh doanh quán cà phê, sân bóng chuyền. Bên cạnh đó, anh còn tăng gia trồng rau củ quả mang lại thêm thu nhập cho gia đình. Dần dần bản thân anh Thịnh đã ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Sau khi được NHCSXH huyện hỗ trợ anh Thịnh đã mạnh dạn mở quán cà phê và sân bóng chuyền
NHCSXH phối hợp cùng Hội nông dân xã Bàu cạn, Tổ
tiết kiệm và vay vốn kiểm tra sử dụng vốn vay tại nhà anh Nguyễn Tiến Thịnh
Có thể thấy, việc cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho những người lầm lỡ được sản xuất, kinh doanh, học nghề, vượt qua mặc cảm, có việc làm, thu nhập ổn định, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, tự giác chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào hoạt động tại địa phương, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ngân hàng CSXH Huyện Long Thành sẽ tiếp tục phối hợp với công an các xã, thị trấn, chính quyền địa phương triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận và đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.