Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Hiến pháp đầu tiên (09/11/1946 - 09/11/2018)
Sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (khóa I) ngày 06/01/1946; ngày
09/11/1946, Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã được
Quốc hội (khóa I) biểu quyết thông qua. Bản Hiến pháp ghi rõ: “Tất cả quyền lực
trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền
lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu và
chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nhân dân trực tiếp bầu ra người đại diện cho
mình ở Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội, theo chế độ phổ thông đầu phiếu.
Sau này, Quốc hội nước ta còn thông qua các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và
năm 2013, kế thừa, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước
trong từng giai đoạn của cách mạng.
Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2018)
Xuất thân trong một gia đình viên chức, nhạc sĩ Văn Cao tên thật là
Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray,
quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng). Quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện
Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Sinh thời, ông sáng
tác nhiều ca khúc, làm thơ, viết truyện, vẽ tranh. Đặc biệt tác phẩm Cuộc khiêu
vũ những người tự tử được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Ngày
13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức chọn Tiến Quân ca của nhạc sĩ Văn
Cao làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc sĩ Văn Cao là một người
nghệ sĩ đa tài, có nhiều tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, đất nước. Văn
Cao xứng đáng là một tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, là niềm tự hào của
dân tộc, với những giai điệu đi cùng năm tháng.
Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018)
Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra
Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân
tộc Thống nhất Việt Nam. Qua mỗi thời kỳ lịch sử, Mặt trận dân tộc thống nhất
Việt Nam có những tên gọi khác nhau như: Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế
Đông Dương, Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc Thống nhất
Phản đế Đông Dương, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (tức Mặt trận Việt Minh) …
Ngày 31/01 đến ngày 04/02/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam
được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất 03 tổ chức: Mặt trận Tổ Quốc
Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực
lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(mới). Chỉ thị ngày 18/11/1930 là Văn kiện đầu tiên của Đảng thể hiện nội dung
tương đối toàn diện về Mặt trận Dân tộc thống nhất. Chính vì vậy, ngày 26/3/1986,
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định lấy ngày 18/11/1930 làm ngày kỷ
niệm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2018)
Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ với
khí thế và quy mô chưa từng có. Cả Nông thôn Nam bộ rung chuyển. Từ Biên Hòa
đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. Nhiều đồn bót của địch bị hạ,
chính quyền địch ở một số quận, xã hoang mang tan rã. Vì điều kiện khởi nghĩa
chưa chín muồi nên cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Tháng 12/1940, Đảng bộ Nam kỳ
họp ở bà Quẹo (Gia định) quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng
còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn,
khởi nghĩa Nam kỳ là những tiếng súng báo hiệu mở đầu cho thắng lợi vĩ đại
trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta.
Thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2018)
Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam tổ chức lần thứ
nhất tại đình Làng Thanh Ấm, xã Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc
Thủ Đô Hà Nội), chính thức thành lập Hội Hồng Thập tự Việt Nam (nay là Hội Chữ
Thập đỏ Việt Nam). Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, thành viên của phong trào Chữ
thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động vì mục tiêu nhân đạo - hòa bình
- hữu nghị. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu cần
thiết của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, góp phần vào việc chăm sóc và
đời sống nhân dân, phục vụ kịp thời cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hiện nay.
HC - BTGHU