Thời gian qua bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Long Thành đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn với quyết tâm xây dựng du lịch Đồng Nai nói chung và huyện Long Thành nói riêng sẽ sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn huyện Long Thành đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng vào các khu, điểm quy hoạch du lịch; kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Mặt khác các tuyến đường kết nối liên xã trên địa bàn huyện đã được đầu tư mạnh mẽ tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến tham quan các điểm du lịch và các di tích của địa phương. Toàn huyện có các địa điểm dự kiến phát triển du lịch bao gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái An Viễng diện tích 28ha; Dự án Khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Long Thành diện tích hơn 7.500 ha; Điểm du lịch sinh thái Hồ Cầu mới xã Cẩm Đường diện tích hơn 200ha; Điểm du lịch sinh thái Hồ Lộc An- xã lộc An diện tích 62ha; Điểm du lịch sinh thái vòng Hồ Cầu mới xã Bàu Cạn của Công ty TNHH đầu tư phát triển công nghệ cao Donasa – Chi nhánh Donasa Farm làm chủ đầu tư diện tích 20 ha; xây dựng và quy hoạch xây dựng các Trung tâm mua sắm; Trung tâm vui chơi giải trí; Nhà hàng, khách sạn cao cấp phục vụ khách đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp địa phương tận dụng các thế mạnh sẵn có để thúc đẩy du lịch phát triển trong tương lai.
Dự án Khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn huyện Long Thành
Hiện trên địa bàn huyện có các dự án trọng điểm, các tuyến đưòng giao thông quan trọng kết nối đến các khu, điểm du lịch trong tương lai, đặc biệt Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng có quy mô hàng đầu trong khu vực và thế giới, sẽ mở ra nhiều cơ hội và triển vọng lớn cho ngành du lịch huyện nhà. Giai đoạn 1 của dự án gồm 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, khi đi vào hoạt động Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ đem lại giá trị kinh tế đến từ lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, mà còn làm tăng lượng hành khách cũng như tăng trưởng hoạt động tiêu dùng, đồng thời kéo theo đó là sự phát triển đồng bộ của hệ thống giao thông kết nối vào sân bay Long Thành gồm: Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Bắc - Nam, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành cùng các tuyến khác. Song song đó, khi các tuyến đường tỉnh 769, đường tỉnh 770B, đường 25B và đường 25C hoàn thành nâng cấp mở rộng đi vào sử dụng, sẽ giúp kết nối huyện Long Thành với các địa phương khác tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan các điểm, khu du lịch. Từ đó, góp phần mở ra không gian phát triển du lịch cho Đồng Nai nói chung và huyện Long Thành nói riêng.
Diện mạo sân bay Long Thành
Cao tốc Bến Lức - Long Thành
Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nối liền T.P Hồ Chí Minh và Đồng Nai
Đường bộ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu