Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
Đảng bộ và Nhân dân huyện Long Thành ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
​Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh huyện Long Thành giai đoạn 2015-2020

Huyện Long Thành có 13 xã và thị trấn Long Thành với diện tích tự nhiên 431 km2, dân số 246.051 người. Nhiệm kỳ qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động giá cả đất đai tác động đến tiến độ bồi thường, thu hồi đất thực hiện các dự án trọng điểm; công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển … Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ huyện Long Thành đã nỗ lực, phấn đấu, lãnh đạo tổ chức thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện đã đề ra.

 

Theo đó, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp; trong đó tỉ trọng ngành công nghiệp –xây dựng chiếm 59,97%, thương mại-dịch vụ chiếm 35,82%, nông nghiệp chiếm 4,21%; giá trị tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2010-2015, trong đó giá trị thương mại-dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, bình quân 21,45%/năm. Trong từng ngành kinh tế có sự chuyển biến tích cực, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, làm tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và giá trị sản phẩm. Trong 5 năm huyện đã thu hút đầu tư nước ngoài được 142 dự án với tổng vốn 939,3 triệu USD, 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 7.057 tỷ đồng, nâng tổng số lên 166 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2.101 tỉ USD, 63 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 11.580 tỷ đồng.


5018.jpg
Toàn cảnh thị trấn Long Thành

 

Đảng bộ huyện tiếp tục xác định lĩnh vực công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng, đã chú trọng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao …theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện trên địa bàn huyện có 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Long Đức, An Phước, Gò Dầu với gần 1.650 ha, các khu công nghiệp này đã cho thuê diện tích từ 53,59-91,08%. Bên cạnh đó, huyện đang tích cục hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện bồi thường, thu hồi đất để triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp mới gồm: KCN công nghệ cao Long Thành có diện tích hơn 400 ha với tổng vốn đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 280 triệu USD; KCN Phước Bình với diện tích 75 ha đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 269 ha; trong đó 03 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chi tiết gồm: Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Tam An (50,95ha), Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Long Phước 1 (75ha), Cụm Công nghiệp-Vật liệu xây dựng Phước Bình (75ha) và Cụm công nghiệp ô tô Đô Thành (68ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch. Kết quả giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng bình quân 05 năm đạt 15,86%. Trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 9,72%, ngoài quốc doanh tăng 15,88% và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,9%. 


5018-5.jpg 

Một góc khu công nghiệp Long Thành

 

Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, toàn huyện đã thành lập mới 1.283 doanh nghiệp và 584 đơn vị trực thuộc với tổng vốn 13.996 tỷ đồng, cấp mới giấy phép kinh doanh cho 5.443 hộ cá thể với tổng vốn đăng ký 1.247 tỷ đồng, nâng tổng số lên 2186 doanh nghiệp tư nhân với tổng vốn đăng ký 24.084 tỉ đồng, 14.076 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký 2.320 tỉ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại được huyện chú trọng triển khai thực hiện, hạ tầng thương mại-dịch vụ có bước phát triển, đã thu hút đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm cao ốc thương mại dịch vụ Long Thành, Siêu thị Winmart Long Thành, các Cửa hàng Bách hóa xanh, chợ Long Phú, chợ Long An ... Trong đó Chợ Long Thành phát huy hiệu quả là chợ đầu mối, cùng với các chợ truyền thống, các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ phát triển đa dạng, kết hợp với sự phát triển mua bán hàng hóa qua mạng xã hội, đảm bảo tốt vai trò lưu thông hàng hóa và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng bình quân trong 5 năm đạt 21,45%/năm, các dịch vụ có thế mạnh tiếp tục phát triển như: Trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, lữ hành; dịch vụ cao ốc văn phòng cho thuê, mở ra bước phát triển mới trong ngành thương mại-dịch vụ của huyện; dịch vụ tín dụng-ngân hàng huy động tốt các nguồn vốn nhàn rỗi, đồng thời thực hiện tốt cơ chế, chính sách đầu tư cho vay đối với các thành phần kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 chi nhánh ngân hàng, 02 quỹ tín dụng và 01 chi nhánh tài chính vi mô CEP. Kết quả tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm của huyện Long Thành đều vượt chỉ tiêu và đứng nhì tỉnh chỉ sau Tp.Biên Hòa. Riêng tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2019 là 1.355 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015.


5018-5-5.jpg
Khu chợ và phố chợ Long Thành

 

Sản xuất nông nghiệp trong nhiệm kỳ cũng đạt nhiều tiến bộ, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Diện tích đất nông nghiệp mặc dù bị giảm do chuyển mục đích sử dụng sang phục vụ phát triển công nghiệp-dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân vẫn đạt 3,47%/năm . Bình quân thu nhập trên 1 ha đất/năm đạt 170 triệu đồng, tăng 48 triệu đồng/ha so với giai đoạn 2010-2015. Đặc biệt cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh sang các loại giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất như: Sản xuất cây bắp tại xã Bình An, rau sạch tại xã Long Phước, lúa tại xã Long An, Long Phước ... Xu hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nhất là áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong quy trình sản xuất ngày càng được nhân rộng. Hiện đang duy trì và phát triển mô hình trồng cây sầu riêng, măng cụt theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Bình Sơn, Bình An với diện tích khoảng 40ha; hệ thống kênh, mương, thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, làm mới đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sản xuất trong mùa khô và tiêu thoát lũ trong mùa mưa; ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.


5018-10.jpg
Sản phẩm sầu riêng VietGap ở xã Bình An

 

Đã thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Không chỉ duy trì, giữ vững Danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015, Đảng bộ huyện còn tập trung lãnh đạo, huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình nông thôn mới nâng cao. Qua 5 năm, tổng huy động nguồn vốn đầu tư Chương trình nông thôn mới được 1.807,1 tỉ đồng (Trong đó nhân dân, doanh nghiệp đóng góp 34,6 tỉ đồng). Trọng tâm là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo lưu thông thông suốt, tạo nên các trục phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông kết nối với quốc lộ 51, đường 769, các khu công nghiệp, các trục hương lộ chính trên địa bàn huyện và gần 50.000 km đường giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa.


5018-10-5.jpg
Một con đường "Sáng, xanh, sạch, đẹp" ở xã An Phước

 

Hệ thống cấp nước sạch cơ bản hoàn thành thi công các tuyến ống chính đến các xã và các tuyến ống nhánh cấp nước đến các khu dân cư tập trung. Hạ tầng lưới điện và hệ thống đèn chiếu sáng tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%. Các công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, thiết chế văn hoá, bệnh viện, trạm y tế…tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã. Đến cuối năm 2019 có 02 xã An Phước và Long Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2020 có từ 1-2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí nâng cao, đạt 38,46% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Đối với các xã còn lại cũng thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao đúng tiến độ. Cụ thể, xã Long An đạt 18/19 tiêu chí, 07 xã đạt từ 15-16 tiêu chí gồm: Bình An, Tam An, Phước Thái, Long Đức, Cẩm Đường, Bình Sơn, Lộc An đạt ; 03 xã đạt 14 tiêu chí gồm: Phước Bình, Tân Hiệp, Bàu Cạn. Với kết quả đạt được, huyện Long Thành vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.


5018-10-10.jpg 

 

Cùng với thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, xây dựng thị trấn Long Thành đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Theo đó, công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, đã tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước, các hạng mục hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc, cung cấp nước sạch ... Trong đó, công trình nâng cấp Khu hành chính huyện gồm 13 tuyến đường dài tổng cộng 8,3km, có tổng mức đầu tư hơn 314 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như: Nâng cấp, mở rộng đường, xây dựng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, trồng cây xanh, chỉnh trang công viên ... góp phần xây dựng thị trấn Long Thành đạt tiêu chí đô thị văn minh.


5018-15.jpg
Khu trung tâm hành chính huyện

 

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng diện tích 5000ha, sau khi được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển mạng lưới giao thông ngành hàng không. Ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội tạo động lực cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và trong khu vực. Hiện tại, huyện đang  triển khai quy trình thủ tục đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường ngoài ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư như: Tuyến đường Long Phước-Phước Thái, tuyến đường Phước Bình –Tân Hiệp- Bàu Cạn – Cẩm Đường, tuyến đường song hành đường 769, tuyến song hành đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây,  nâng cấp mở rộng tuyến 769, tuyến Long Đức-Lộc An, hương lộ 21, hương lộ 12; tập trung thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và các dự án thành phần (khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, khu Trung tâm hành chính xã Bình Sơn, các công trình hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghĩa trang Bình An) cơ bản đạt tiến độ yêu cầu của Chính phủ và UBND tỉnh giao.


5018-15-5.jpg
Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt 3 cho người dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

 

Theo đó, kinh phí thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành ước tính gần 23.000 tỷ đồng. Huyện phấn đấu sẽ hoàn thành công tác chi trả bồi thường, bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án trong năm 2020 (hoặc chậm nhất đến tháng 02/2021). Hiện tại ở khu vực ưu tiên (1.810ha) đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, cũng như tiến hành chi trả bồi thường cho 1.007 hộ/630ha tại khu vực này. Đối với khu vực còn lại (3.190ha), huyện đang tập trung kiểm kê, lập phương án bồi thường cho 4.738 hộ/2.436,3ha, dự kiến sẽ hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân trong quý 4/2020. Quá trình thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Riêng về việc bố trí tái định cư cho các hộ dân, huyện đã quy hoạch xây dựng khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn 282,35 ha (Đang thi công hạ tầng) và phân khu 3 khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 81,86 ha với tổng số 5.002 lô đất tái định cư, mỗi lô có diện tích từ 80-300m2; trong các khu tái định cư sẽ có đầy đủ hệ thống điện, nước, trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo ... nằm cạnh đường 769 và gần khu công nghiệp Lộc An-Bình Sơn, bảo đảm cho người dân thuộc diện thu hồi đất có nơi ở mới tốt hơn.


5018-15-10.jpg
Khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn đang thi công hạ tầng

 

Đặc biệt, để tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như: Pano cổ động, hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử huyện và tuyên truyền trực tiếp với 7.000 tờ gấp, áp phích những câu hỏi-đáp liên quan đến thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, qua đó đã giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng, tính cấp bách của dự án và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. UBND huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức 3 Sàn giao dịch việc làm lưu động tại 2 xã Bình Sơn, Long Phước thu hút rất đông người lao động, đoàn viên, hội viên đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng, cơ hội việc làm mới trong các doanh nghiệp để thay thế cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện sẽ phối hợp với các trường cao đẳng nghề đóng chân trên địa bàn, tổ chức đào tạo các nghề phù hợp để người dân có được việc làm và thu nhập ổn định khi di dời về các khu tái định cư.


5018-15-15.jpg
Sàn giao dịch việc làm lưu động tại xã Long Phước

 

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, lĩnh vực Văn hóa-Xã hội cũng được Đảng bộ huyện quan tâm chăm lo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới-Đô thị văn minh. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo tiếp tục phát triển; chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; số lượng học sinh ra lớp hàng năm tăng mạnh; duy trì giữ vững 100% xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở các bậc học phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ưu tiên quy hoạch quỹ đất phát triển giáo dục và ngân sách đầu tư phát triển  trường, lớp, trang thiết bị dạy học, trong 5 năm đã xây dựng và sửa chữa 16 trường học với tổng kinh phí  hơn 240 tỷ đồng, cùng với đổi mới hình thức, phương pháp dạy và học đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục; huyện cũng hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 6 trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết, nâng tổng số lên 26/70 trường thuộc các cấp học đạt chuẩn Quốc gia; Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, qua đó đã vận động xây dựng Quỹ khuyến học 32,7 tỉ đồng hỗ trợ kịp thời cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và khen thưởng cho giáo viên, học sinh đạt thành tích.


5018-20.jpg
Trường Mầm non Tân Hiệp đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1năm 2018

 

Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp được chú trọng. Trong 5 năm qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã đào tạo 7.974 học viên, trong đó lao động có trình độ trung cấp nghề trở lên đạt 33,1%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

 

Hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao quần chúng phát triển đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt giải trí lành mạnh, rèn luyện thể chất của nhân dân; thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn, các giải thi đấu tạo động lực nuôi dưỡng phong trào và tham dự các giải thi cấp tỉnh, khu vực đạt nhiều thành tích cao; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội, phát huy các giá trị văn hóa tại cộng đồng dân cư, góp phần hoàn thành đạt chỉ tiêu nghị quyết về Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, với 13/13 xã đạt chuẩn xã Văn hóa nông thôn mới và thị trấn Long Thành đạt chuẩn nếp sống văn minh đô thị.


5018-20-5.jpg
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019 ở ấp 8 xã An Phước

 

 Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được quan tâm như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử-Cải lương Nam bộ, Lễ cúng Nhang rừng của đồng bào Chơro tại Nhà Văn hóa Chơro, Tháng chay Ramandam, Lễ Hiến tế của đồng bào Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện; tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích ...

 

Đảng bộ huyện cũng thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết về các chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động kiểm soát, khống chế có hiệu quả dịch bệnh, không để lan rộng. Nhất là thực hiện nghiêm túc, kiểm soát có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, không có ca nhiễm trên địa bàn huyện; chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tốt, mức sinh liên tục giảm trong các năm, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên hiện đang ở mức thấp 0,98%; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, trong đó Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành được nâng cấp đạt chuẩn xếp hạng bệnh viện loại II, quy mô 500 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho công tác chẩn đoán và điều trị; 14/14 Trạm y tế xã, thị trấn duy trì, giữ vững đạt chuẩn Quốc gia về y tế, có bác sĩ phục vụ lâu dài, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 90%; hệ thống y tế tư nhân cũng phát triển mạnh, đã thu hút đầu tư 5 Phòng khám đa khoa, 144 cơ sở y, dược tư nhân, nâng tổng số lên 399 cơ sở y tế tư nhân trên toàn huyện giúp đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y tế tư nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý, chấn chỉnh những sai phạm.


5018-20-10.jpg
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển sự nghiệp y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư

 

Cấp ủy, các ngành, các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm đời sống của gia đình và người có công cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trong xã hội. Trong 5 năm, đã giải quyết hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ cho 580 lượt đối tượng có công cách mạng; chi trả trợ cấp hàng tháng cho 1.275 đối tượng có công cách mạng; trợ cấp ưu đãi giáo dục cho trên 359 lượt con em gia đình chính sách; tổ chức đưa 728 lượt người có công đi an dưỡng tập trung và 1.597 người có công điều dưỡng tại gia đình với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng; xây dựng 11 căn nhà tình nghĩa, sữa chữa 133 căn nhà cho đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng; vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng kịp thời hỗ trợ, chăm lo các đối tượng chính sách; Nghĩa trang liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ thường xuyên được tu bổ và nâng cấp; xây dựng các công trình Đền thờ liệt sĩ, Bia tưởng niệm liệt sĩ tại các xã, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết đề ra; tiếp tục quan tâm tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện; Thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội cho 5.691 người, trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng 156.339 suất quà với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng, góp phần chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả tốt, trong  5 năm qua, đã cho 344 lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất với tổng kinh phí 2,4 tỉ đồng; hỗ trợ trên 200 hộ thực hiện mô hình nuôi gà lương phương, mô hình nuôi dê với kinh phí trên 1,5 tỉ đồng, hỗ trợ xây dựng 194 căn nhà tình thương với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng ... góp phần kéo giảm hộ nghèo từ 585 hộ (năm 2015) xuống còn 81 hộ (cuối năm 2019) chiếm tỷ lệ 0,11%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.


5018-20-15.jpg
Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ chính sách ở xã Bình Sơn


Công tác quốc phòng-an ninh đạt nhiều kết quả tích cực, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo tuyệt đối an toàn các đợt cao điểm, sự kiện chính trị quan trọng. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp giữ vững an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh tư tưởng văn hóa, an ninh tôn giáo, dân tộc; chủ động nắm tình hình, đủ sức phòng ngừa ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai sâu rộng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đã phát huy hiệu quả. Qua công tác tiếp nhận, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, đã điều tra, khám phá các loại án, triệt phá các vụ trọng án đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra hàng năm; kết quả đã làm chuyển biến tích cực tình hình địa bàn và đạt chỉ tiêu “4 giảm”. Qua đó, xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


5018-20-20.jpg
Đợt khen thưởng dưới cờ cho các tập thể và cá nhân thuộc Công an huyện

 

Công tác quân sự, quốc phòng địa phương và giáo dục quốc phòng-an ninh có nhiều tiến bộ trong duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng lực lượng; huấn luyện và diễn tập phòng thủ kết hợp với diễn tập phòng, chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, công tác tuyển quân đều hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao hàng năm, chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày càng được nâng cao. Chính sách quân đội và hậu phương quân đội được quan tâm thực hiện, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các chế độ chính sách cho Cựu chiến binh, Cựu quân nhân, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, phòng chống bão lũ, ra quân làm công tác dân vận... được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.


5018-25.png
Lãnh đạo huyện tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ năm 2020

 

Công tác xây dựng đảng, dân vận và xây dựng chính quyền, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ luôn được Đảng bộ huyện chú trọng, đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm, gắn với thực hiện cam kết nêu gương của cán bộ, đảng viên và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Phần lớn cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp đã quán triệt và gương mẫu thực hiện tốt nội dung cam kết nêu gương, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tự giác học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; hoàn thành đạt chỉ tiêu xây dựng 10 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Xây dựng 97/98 chi bộ ấp, khu có chi uỷ, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Đến nay, Đảng bộ huyện có 62 tổ chức cơ sở Đảng (gồm 27 đảng bộ cơ sở và 34 chi bộ cơ sở) với tổng số 6.863 đảng viên.

 

Hoạt động của HĐND được nâng cao chất lượng và hiệu quả về phương thức, nội dung hoạt động, phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng. Các kỳ họp HĐND dành thời gian phù hợp cho hoạt động chất vấn của đại biểu. Các Nghị quyết HĐND được ban hành đảm bảo đúng pháp luật và mang tính khả thi cao. Tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo luật định, đồng thời tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cử tri và yêu cầu giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND và 02 Ban HĐND huyện có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu giám sát những vấn đề bức xúc trong dư luận, những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót.


5018-25-5.jpg
Các Nghị quyết HĐND được ban hành đảm bảo đúng pháp luật và mang tính khả thi cao

 

Lãnh đạo thực hiện tốt việc sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc 6 xã trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vào xã Bình Sơn theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ thời gian. Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước từ huyện đến các xã, thị trấn từng bước được trẻ hóa, được thử thách qua thực tiễn công tác, ngày càng vững vàng hơn trên từng vị trí được phân công. Công tác cải cách hành chính được tăng cường, cơ chế ”một cửa, một cửa liên thông hiện đại” đạt hiệu quả tốt. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân theo đúng quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và năng lực quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo đó, mức độ hài lòng của người dân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính qua khảo sát cuối năm 2019 đạt 90%.


5018-25-10.jpg
Công tác cải cách hành chính được tăng cường, cơ chế ”một cửa, một cửa liên thông hiện đại” đạt hiệu quả tốt

 

Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, phương thức tập hợp đa dạng, chú trọng đến chất lượng đoàn viên, hội viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực hiện tốt. Phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện tốt chính sách tôn giáo, dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thực chất, lấy kết quả làm thước đo chất lượng với việc xây dựng được 269 mô hình, 645 điển hình trên các lĩnh vực tạo sức lan tỏa mạnh; các mô hình đều gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn..., đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong các tầng lớp nhân dân. Chú trọng phát huy tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong lao động, sản xuất, tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”... tạo được sự đồng thuận cao, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu hàng năm của Đảng bộ huyện.


5018-25-15.jpg
Lực lượng vũ trang ra quân làm dân vận ở xã Long An

 

Có thể nói, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Long Thành đã đoàn kết thống nhất từ ý chí đến hành động, phát huy nội lực, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân để tổ chức thực hiện đạt và vượt 67/69 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Đó cũng là cơ sở vững chắc để ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục lãnh đạo toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tiếp theo, trọng tâm là hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao; huyện Long Thành cơ bản đạt được tiêu chí thị xã vào năm 2025; đặc biệt, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng đúng tiến độ đề ra.

Chí Tài - Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Thành

Các tin khác

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​