Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954- 07/5/2024)
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5
Chào mừng ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương -Mùng 10 tháng 3
Huyện Long Thành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số!
Công tác chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn Huyện Long Thành

Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019). Trong 8 năm qua, UBND huyện Long Thành luôn có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện. Đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực và sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức xã hội để giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói chung, người khuyết tật nói riêng được chăm lo đầy đủ về vật chất, lẫn tinh thần, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

 

Thống kê, toàn huyện Long Thành có 2.236 người khuyết tật do các nguyên nhân: Khuyết tật bẩm sinh, bị biến chứng của bệnh tật, di chứng chất độc da cam hay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động ... trong đó có 2.018 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với tổng số tiền trợ cấp trên 1 tỷ đồng/tháng.


4111.jpg

Người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

 

Theo đó, các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đề án 1019 trên các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của toàn xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trong xã hội … Qua đó, đã giúp người dân phần nào hiểu được các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước nói chung và chính sách người khuyết tật nói riêng, đồng thời giúp người khuyết tật hiểu thêm về các chính sách hỗ trợ của nhà nước để nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Tính từ năm 2012 đến nay, nhiều người khuyết tật đã được phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp phục hồi cơ bản một số chức năng để có thể sinh hoạt, học tập và lao động. Cụ thể, có 230 người đang tập phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 26 người đang tập phục hồi chức năng tại viện; 62 trẻ dưới 6 tuổi đang quản lý trong chương trình phục hồi chức năng nhi do BV nhi Đồng Nai thực hiện, giao quản lý tại các Trạm y tế các xã, thị trấn; 760 người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú; có tổng số 4.980 lượt người được hướng dẫn phục hồi chức năng tại bệnh viện huyện, 343 dụng cụ hỗ trợ đã cấp cho người khuyết tật gốm: 78 chiếc máy trợ thính, 200 chiếc xe lăn, xe lắc tay và 65 chiếc ghế bại não.


4111-5.jpg

Tặng xe lăn cho người khuyết tật

 

 Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Tổ chức Cầu Vồng Châu Á (ARA), triển khai dự án “Hỗ trợ xây dựng hệ thống Giáo dục hoà nhập ở Đồng Nai” do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ nhằm tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy Giáo dục hòa nhập trong các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong hè năm 2012 có 4 cán bộ, giáo viên nòng cốt phụ trách công tác giáo dục trẻ hòa nhập đã đi tập huấn tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 3 tuần, ngoài ra hàng năm các giáo viên có dạy học hòa nhập được tham gia tập huấn cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo kết hợp với ARA tổ chức. Đến nay, đã có 1.520 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp Mầm non, Tiểu học và THCS được tập huấn về phương pháp giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh tâm thần, khuyết tật trí tuệ… Các đơn vị trường học cũng thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền, các ban ngành, tổ chức xã hội của địa phương trong công tác huy động trẻ khuyết tật trên địa bàn ra lớp, thiết kế hoạt động và lập kế hoạch cá nhân cho từng trẻ khuyết tật ; xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện, an toàn, chất lượng và hiệu quả cho trẻ khuyết tật. Chỉ riêng năm học 2018-2019, số lượng học sinh khuyết tật học trong các trường trên địa bàn cho kết quả rất tích cực với 3 trẻ Mầm non được học hòa nhập, cấp Tiểu học có 57 học sinh và THCS có 29 học sinh. Nhà trường, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội cũng đã thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho trẻ khuyết tật, là cơ sở để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục và thực hiện các chế độ, chính sách về giáo dục cho trẻ khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42.


4111-10.jpg

Tặng học bổng cho học sinh khuyết tật

 

Trong 8 năm qua, các ngành, các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động trợ giúp học nghề, việc làm cho người khuyết tật để có thể mưu sinh nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điển hình như Hội Người mù huyện triển khai 5 dự án cho 52 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn với số tiền 526.000.000đ từ nguồn quỹ Quốc gia về việc làm theo kênh Trung ương Hội Người mù Việt Nam. Thời hạn mỗi chu kỳ vay vốn từ 12 đến 24 tháng theo theo mục đích sử dụng vốn của từng dự án, với lãi suất ưu đãi 0,257%/tháng. Trích quỹ Hội cho vay 09 lượt hội viên vay với số tiền 21 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình như: Chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán nhỏ, thời hạn vay 12 tháng và không tính lãi. Từ nguồn hỗ trợ sinh kế do Hội Người mù tỉnh Đồng Nai phối hợp Hội trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam triển khai với số tiền 22 triệu đồng để đầu tư dịch vụ xoa bóp, bán vé số, thời hạn trả góp trong 10 năm và không tính lãi. Tổ chức gia công tăm tre mỗi năm đóng gói và tiêu thụ hơn 30.000 gói, tạo việc làm cho một số hội viên còn khả năng lao động nhưng không thích hợp với nghề xoa bóp. Vận động mạnh thường quân xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 40 triệu đồng và 1 căn nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng cho 03 hội viên khó khăn về nhà ở tại xã Bình An và Tân Hiệp; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện được sự hỗ trợ của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ vốn cho 40 hội viên khuyết tật với tổng số tiền 200 triệu đồng (Hiện đã thu hồi trả lại Hội Doanh nhân trẻ).


4111-15.jpg

Người khuyết tật được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình

 

Ngoài ra từ giữa năm 2011 đến cuối tháng 06 năm 2014, Dự án “ Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật” thuộc tổ chức phi chính phủ Handicap International do cộng đồng chung Châu Âu tài trợ miễn phí, triển khai thực hiện tại 06 xã Suối Trầu, Bàu Cạn, Phước Thái, Bình Sơn, Long An và thị trấn Long Thành. Quá trình triển khai, Ban điều hành thực hiện dự án huyện đã họp xét duyệt 04 đợt hỗ trợ vốn cho 79 người khuyết tật, sau khi sàng lọc dự án đã hỗ trợ được 70 người với tổng số tiền 459.250.000đ  (Mỗi người được hỗ trợ vốn không hoàn lại tối đa 7 triệu đồng), cùng với hỗ trợ học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng số tiền 85.400.000đ để sản xuất kinh doanh, bao gồm các ngành nghề: Chăn nuôi bò, gà, vịt, bồ câu, sửa chữa điện cơ, sửa xe đạp, cắt tóc, bán tạp hóa… Thực hiện đề án 1019, UBND huyện cũng đã triển khai đến các xã, thị trấn thực hiện hỗ trợ quyền lợi của người khuyết tật khi tham gia vận tải hành khách công cộng, đến nay huyện đã đề nghị tỉnh cấp thẻ miễn phí đi xe buýt cho 84 trường hợp khuyết tật. Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý cũng được các cấp ủy, chính quyền chú trọng và đa dạng về hình thức thực hiện nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Trên lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của pháp luật có trên địa bàn huyện. Các ngảnh, các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch cho người khuyết tật lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng. Huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ người khuyết tật tham giai các giải thể thao và văn nghệ tại tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.


4111-20.jpg

Người khuyết tật rất yêu thích văn nghệ

 

Qua đánh giá mức độ đạt được chỉ tiêu của Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn huyện Long Thành cho thấy, đề án đã giúp cho nhiều người khuyết tật phục hồi cơ bản một số chức năng để có thể sinh hoạt, học tập và lao động. Người khuyết tật còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và được trợ giúp pháp lý bình đẳng. Đặc biệt người khuyết tật được tạo nghề nghiệp, việc làm ổn định để có thể tự lo cho bản thân và phụ trang trãi các chi phí sinh hoạt trong gia đình, xóa đi nỗi mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng xã hội.

 

Có thể nói, việc khiếm khuyết một phần cơ thể khiến cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và những nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính bản thân đã giúp người khuyết tật xóa đi những tự ti, mặc cảm để ngày càng sống lạc quan, yêu đời, hòa nhập với cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương Long Thành ngày càng phát triển vững mạnh.

Chí Tài - Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Thành

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử UBND huyện Long Thành

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG T​IN ĐIỆN TỬ HUYỆN LONG THÀNH - TỈNH ĐỒNG NAI

 

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Long Thành

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện.

Cơ quan Thường trực: Phòng Văn hóa và thông tin huyện.

Địa chỉ: Số 1, đường Lê Hồng Phong, khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 02513.844298 - Fax: 02513.844383 - Email: vphdnd-lt@dongnai.gov.vn

® Ghi rõ nguồn " UBND huyện Long Thành " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​ ​​

​​