Những năm qua, cùng với phát
triển kinh tế, UBND huyện Long Thành luôn quan tâm
chỉ đạo sâu sát trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình,
chính sách đối với các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói chung,
người khuyết tật nói riêng trên địa bàn. Qua đó đã giúp cho người khuyết tật được
chăm lo đầy đủ về vật chất, lẫn tinh thần, từng bước ổn định cuộc sống,
hòa nhập cộng đồng.
Thống kê, toàn huyện Long Thành
có hơn 2.200 người khuyết tật do các nguyên nhân: Khuyết tật bẩm sinh, bị biến
chứng của bệnh tật, di chứng chất độc da cam hay do tai nạn giao thông, tai nạn
lao động ... trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp
thường xuyên tại cộng đồng với tổng số tiền trợ cấp trên 1 tỷ đồng/tháng. Các ngành,
các cấp từ huyện đến cơ sở thường xuyên tổ
chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn
2012-2020 (Còn gọi là Đề án 1019) trên các phương tiện truyền thông, đã giúp người dân phần nào hiểu được các chủ trương, chính
sách pháp luật của nhà nước nói chung và chính sách người khuyết tật nói riêng,
đồng thời giúp người khuyết tật hiểu thêm về các chính sách hỗ trợ của nhà nước
để nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Trong 8 năm qua, nhiều người khuyết tật đã được phát hiện, can
thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp phục hồi cơ bản một số chức năng để có thể sinh
hoạt, học tập và lao động như: Máy trợ thính, xe lăn, xe lắc, ghế bại
não ...
Tặng xe lăn cho người khuyết tật
Chị Nguyễn Hồng Cẩm-Người khuyết tật ở khu Kim Sơn, thị trấn
Long Thành cho biết:
Em rất vui khi được Câu lạc bộ Người
khuyết tật huyện vận động tặng cho chiếc xe lăn, nhờ chiếc xe này mà em có thể
sinh hoạt thoãi mái hơn, được bước chân ra ngoài và hòa nhập cộng đồng, đặc biệt
là em bán vé số tự nuôi sống bản thân để không là gánh nặng cho gia đình và xã
hội. Em mong là sẽ có nhiều mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ thêm cho những mảnh
đời khuyết tật. Anh Đoàn Mộng Điệp-Người khuyết tật ở khu Văn Hải, Thị
trấn Long Thành cũng cho biết: Khi em bị tai nạn lao động, Câu lạc bộ Người khuyết tật huyện đã vận
động mạnh thường quân tài trợ cho mái ấm tình thương. Tuy căn nhà không lớn lắm
nhưng cũng giúp trú mưa, nắng và em cũng yên tâm đi buôn bán thêm phụ giúp cho
vợ con, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn.
Các đơn vị trường học cũng thực
hiện tốt việc phối hợp với chính quyền, các ban ngành, tổ chức xã hội của địa
phương trong công tác huy động trẻ khuyết tật trên địa bàn ra lớp, thiết kế
hoạt động và lập kế hoạch cá nhân cho từng trẻ khuyết tật ; xây dựng môi
trường giáo dục hòa nhập thân thiện, an toàn, chất lượng và hiệu quả cho trẻ
khuyết tật. Nhà trường, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội cũng đã thực
hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận
mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho trẻ khuyết tật, là cơ sở
để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục và thực hiện các chế độ, chính sách về
giáo dục cho trẻ khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42. Em Võ Dương Gia Hân
ở Mái ấm khiếm thị Long Thành xã Long An cho biết:
Chúng con sống ở đây, các Sơ rất thương yêu dạy cho chúng con những điều hay,
điều tốt, học được nhiều thứ như: Học đàn, học hát, thổi sáo và dạy cho chúng
con những kỹ năng sống để tự phục vụ bản thân của mình, dạy cho chúng con học
văn hóa. Bây giờ chúng con đều có thể tự vệ sinh cá nhân và ăn uống mà không
cần các Sơ phải trợ giúp.
Mái ấm khiếm thị Long Thành đang tập dò gậy di chuyển
Trong
8 năm qua, các ngành, các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động trợ giúp học nghề, việc
làm cho người khuyết tật để có thể mưu sinh nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng
cho gia đình và xã hội. Điển hình như Hội Người mù huyện giúp hội viên tiếp
cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn hỗ trợ sinh kế
do Hội Người mù tỉnh Đồng Nai phối hợp Hội trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam,
triển khai với số tiền 22 triệu đồng để đầu tư dịch vụ xoa bóp, bán vé số, thời
hạn trả góp trong 10 năm và không tính lãi; tổ chức gia công tăm tre mỗi năm
đóng gói và tiêu thụ hơn 30.000 gói, đan thảm chùi chân, tạo việc làm cho một
số hội viên còn khả năng lao động nhưng không thích hợp với nghề xoa bóp; vận
động mạnh thường quân xây dựng 2 căn nhà Đại đoàn kết trị và 1 căn nhà tình
thương cho 03 hội viên khó khăn về nhà ở tại 2 xã Bình An, Tân Hiệp và tặng
nhiều phần quà ý nghĩa vào các dịp lễ Tết ... Ông Phan Quốc Thiều-Hội viên Hội
Người mù huyện Long Thành cho biết: Chúng tôi là
người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chúng tôi vẫn cố
gắng vươn lên vượt qua số phận của mình, không phụ thuộc vào người thân và gia
đình để kiếm sống bằng chính đôi tay của mình. Bà Lê Ý Lợi - Hội viên Hội Người
mù huyện Long Thành cũng cho biết: Các
mạnh thường quân và Ban chấp hành hội thường xuyên quan tâm chăm lo hội viên
người mù rất chu đáo. Vào các dịp lễ, Tết hàng năm đều có tặng quà và xây nhà
tình thương. Từ sự quan tâm đó làm cho người mù chúng tôi phấn khởi vươn lên
trog cuộc sống.
Hội viên người mù đan thảm chùi chân
Ngoài ra từ giữa năm 2011 đến
cuối tháng 06 năm 2014, Dự án “ Việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết
tật” thuộc tổ chức phi chính phủ Handicap International do cộng đồng chung Châu
Âu tài trợ miễn phí, triển khai thực hiện tại 06 xã Suối Trầu, Bàu Cạn, Phước
Thái, Bình Sơn, Long An và thị trấn Long Thành. Dự án hỗ trợ vốn cho 70 người
khuyết tật với tổng số tiền gần 460 triệu đồng (Mỗi người được hỗ trợ vốn không
hoàn lại tối đa 7 triệu đồng), cùng với hỗ trợ học nghề nông nghiệp và phi nông
nghiệp với tổng số tiền 85.4 triệu đồng để chăn nuôi bò, gà, vịt, bồ câu, sửa
chữa điện cơ, sửa xe đạp, cắt tóc, bán tạp hóa… đã tạo điều kiện ban đầu cho
người khuyết tật phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống và hòa
nhập cộng đồng. Anh Huỳnh Tấn Bửu-Người khuyết tật ở Khu Cầu Xéo, Thị trấn Long
Thành cho biết: Sau khi chương trình
Handicap hỗ trợ số vốn 7 triệu đồng tôi mua 5 cặp bồ câu giống, xong rồi nuôi
phát triển lên 280 cặp. Cái lợi nhuận theo tôi thấy rất khả quan, mỗi tháng bán
bồ câu thịt và bồ câu giống thu được từ 3-5 triệu đồng, trang trãi cho cuộc sống
bản thân tôi rất thoãi mái.
Chị Vũ Thị Kiều Dung- Người khuyết tật ở xã Bàu Cạn đang chăn nuôi heo
Không chỉ chăm lo về vật chất, các ngành, các cấp còn đặc biệt quan tâm đến đời sống
văn hóa tinh thần của người khuyết tật, qua
việc tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được đến trường, người khiếm thị học chữ Braille và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn
nghệ, thể dục thể thao lồng ghép vào đời sống văn hóa cộng đồng. Huyện cũng tạo
điều kiện hỗ trợ người khuyết tật tham gia các giải thể thao và văn nghệ cấp
tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ đó, người khuyết tật càng thêm sống lạc quan, yêu đời hơn. Bà
Doãn Thị Nhàn-Phó Trưởng Phòng lao động-Thương binh và Xã hội huyện Long Thành
cho biết: Qua đánh giá mức độ đạt được chỉ tiêu của Đề án trợ giúp người khuyết
tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn huyện Long Thành cho thấy, đề án đã giúp
cho nhiều người khuyết tật phục hồi cơ
bản một số chức năng để có thể sinh hoạt, học tập và lao động. Người
khuyết tật còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và được trợ giúp pháp lý bình đẳng. Đặc biệt người
khuyết tật được tạo nghề, việc làm để có thể tự lo cho bản thân và phụ trang
trãi các chi phí sinh hoạt trong gia đình, xóa đi nỗi mặc cảm và hòa nhập với
cộng đồng xã hội.
Tặng quà Tết Nguyên đán Cánh Tý 2020 cho người khuyết tật
Có thể nói, việc khiếm khuyết một phần cơ thể khiến
cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên với sự
hỗ trợ của các ngành, các cấp và những nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính bản thân đã giúp người
khuyết tật xóa đi những tự ti, mặc cảm
để ngày càng sống lạc quan, yêu đời, hòa
nhập với cộng đồng, chung tay xây dựng quê hương Long Thành ngày
càng phát triển vững mạnh.
Chí
Tài - Trung tâm VH-TT-TT huyện Long
Thành