Hiện nay, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ là những yếu tốt then chốt, đã và đang được Đảng và Nhà nước chú trọng trong quá trình phát triển, hội nhập; trong đó, lĩnh vực văn hóa được đặt lên hàng đầu, có tầm ảnh hưởng lớn và quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Do đo, thời gian qua huyện Long Thành đã triển khai xây dựng, phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, hình thành lối sống văn minh từ đó góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2022 – 2024, trên cơ sở nội dung chỉ đạo của các cấp về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Ủy ban nhân dân huyện Long Thành đã chỉ đạo, triển khai đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức; gắn xây dựng môi trường văn hóa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các danh hiệu thi đua xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị như: “gia đình văn hóa", “ấp văn hóa", “cơ quan, đơn vị văn hóa", trường học thân thiện..., đồng thời, xây dựng các quy tắc ứng xử qua việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng ở từng ấp, khu phố. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Long Thành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, nhất là việc xây dựng văn hóa của tổ chức và văn hóa của người cán bộ, đảng viên, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; hàng năm có trên 95% cán bộ, đảng viên được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Một số tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp
Bên cạnh đó, căn cứ các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các chi, đảng bộ trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thông qua các hoạt động như cán bộ, đảng viên viết Sổ tay nêu gương, duy trì đọc mẩu chuyện về Bác Hồ trong buổi chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, tham gia các cuộc thi kể chuyện gương điển hình học tập và làm theo Bác; triển lãm sách, báo, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Trong đó có một số mô hình học tập và làm theo Bác đạt hiệu quả như: Kể chuyện dưới cờ, các mô hình tuyến đường sáng-xanh-sạch đẹp trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới; mô hình vận động người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các xã, thị trấn; mô hình nuôi heo đất tiết kiệm hỗ trợ ấp, khu làm đường giao thông nông thôn, làm nhà tình thương; mô hình của ngành y tế lương y như từ mẫu; mô hình của Hội Phụ nữ tiết kiệm góp quỹ vốn giúp nhau xóa đói giảm nghèo; mô hình của Hội Chữ thập đỏ: Nồi cháo tình thương, hiến máu nhân đạo, mô hình Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; mô hình Ngôi nhà xanh chung tay xử lý, phân loại rác thải tại nguồn, Mô hình Chính quyền thân thiện; ngày thứ bảy lắng nghe dân nói, “buổi sáng với nhân dân", mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực...
Ngoài ra hàng năm, huyện đã triển khai đồng bộ các chương trình trong phong trào TDĐKXDĐSVH, tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhằm huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, ấp - khu văn hóa. 100% di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện được tu bổ, tôn tạo theo chủ trương xã hội hóa; Duy trì các xã đạt chuẩn xã văn hoá nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn huyện.
tuyên truyền về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại hội trường trung tâm VHTT-HTCĐ xã Long An
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tập trung nhân rộng mô hình nhà trọ công nhân văn hóa, không tội phạm và tệ nạn xã hội; phối hợp các cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, khuyến khích các chủ doanh nghiệp chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; động viên công nhân lao động tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, không mắc các tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương nơi cư trú. Đồng thời củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của 86 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 43 CLB gia đình phát triển bền vững; 66 địa chỉ tin cậy; 02 Câu lạc bộ “Nam giới nói không với bạo lực gia đình" tại các xã An Phước, Bình Sơn, trong đó chú trọng củng cố thành viên tổ hòa giải cơ sở, mạng lưới y tế cơ sở, thành lập đường dây nóng tại các địa phương để kịp thời và hỗ trợ cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Trong giai đoạn 2022-2024, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện đã triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả họat động của phong trào; thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc trùng tu, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng; xây dựng phương án bảo vệ, giữ gìn trật tự, cảnh quan, môi trường, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cơ sở tín ngưỡng theo quy định pháp luật; kiểm tra xử lý mọi hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, lễ hội tuyên truyền và phổ biến văn hóa phẩm độc hại, không được phép lưu hành làm ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo từng bước được cải thiện và nâng cao; Quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo; không xảy ra việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước, gây mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc; gây rối an ninh trật tự tại địa phương.
Khu dân cư kiểu mẫu Ấp 8 xã An Phước
Qua 3 năm triển khai thực hiện công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã có sự tác động tích cực đến các hoạt động thi đua trên địa bàn huyện; các chương trình Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, thôn, ấp, tổ dân phố văn hóa, xã, thị trấn tiêu biểu; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng mang tính thực chất hơn; hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở ngày càng hoàn thiện, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần; nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân; hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao ngày càng được nâng cao; trong đó, 100% xã, thị trấn có Trung tâm VHTT-HTCĐ cấp xã, 100% ấp - khu phố có nhà văn hóa; 81/83 ấp - khu phố đạt chuẩn văn hóa từ năm 2022 đến nay; trên 98% gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm; có 12/13 đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 13 khu dân cư đạt chuẩn kiểu mẫu; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa duy trì trên 98%/ năm; trên 85% doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên trên 60%; Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện có 200 Câu lạc bộ thể dục thể thao, 18 Câu lạc bộ văn hóa do cơ quan nhà nước thành lập; 11 điểm vui chơi giải trí, 30 cơ sở kinh doanh karaoke, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo, 141 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao.
Từ thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã góp phần giúp cho diện mạo cộng đồng dân cư trở nên khang trang, nhiều địa phương đã phát huy nội lực, tổ chức tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực hiện quy ước, hương ước; phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu văn hóa; tổ chức tốt việc bình xét, đánh giá các danh hiệu thi đua, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Bên cạnh đó, phát huy điểm sinh hoạt tại Nhà văn hóa; các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng mô hình làm kinh tế, nông dân sản xuất giỏi…nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống diễn ra sôi động, lành mạnh, tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.