Thời tiết đang trãi qua những ngày mưa kéo dài, đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại sâu, bệnh xuất hiện gây hại cho cây lúa vụ Mùa năm 2024 đang trong giai đoạn sinh trưởng. Để ngăn ngừa nguy cơ trên, nông dân huyện Long Thành đang tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ theo sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thăm đồng cùng nông dân
Theo nông dân trồng lúa vụ Mùa ở các xã cho biết, mặc dù đầu vụ, bà con đã tuân thủ chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn như: San phẳng mặt ruộng, xử lý mầm bệnh trong đất, gieo sạ tập trung để né rầy di trú. Hiện tại các diện tích lúa đang đẻ nhánh nhìn chung phát triển xanh tốt, tuy nhiên với tình hình mưa kéo dài hiện nay dễ xuất hiện các loại sâu, bệnh gây hại nên công tác phòng trừ đang được bà con áp dụng triệt để. Ông Đỗ Văn Lợi-Nông dân trồng lúa xã Long Phước cho biết: Lúa vụ Mùa do mưa nhiều ngập nước dễ phát sinh bệnh bọ trĩ, sâu lá, sâu đục thân. Nên xuống giống rồi thì mình phải thường xuyên thăm đồng trước tiên là xịt bọ trĩ, sau đó là sâu đục thân, phun xịt kịp thời rất là đỡ. Nếu phát hiện trễ thì năng suất sẽ giảm bởi vì sâu đục thân ăn cây lúa chết luôn.
Nông dân xã Long Phước phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh trên cây lúa
Vụ Mùa năm 2024, toàn huyện Long Thành gieo trồng trên 1.000 ha lúa tập trung chủ yếu tại các xã: Bình an, An Phước, Long An và Long Phước với các giống lúa đã qua kiểm nghiệm như: OM 7347, OM 5451, ST25, Đài thơm 8 ... Bên cạnh tích cực thăm đồng, phun thuốc phòng trừ các loại sâu, bệnh, bà con nông dân cũng chú trọng bón phân đầy đủ cho cây lúa theo nguyên tắc "4 đúng", để tránh lãng phí mà vẫn giúp cho lúa sinh trưởng khỏe mạnh, phát triển đồng bộ, trổ nhiều bông và chắc hạt. Ông Lê Hữu Quý-Nông dân trồng lúa xã Long Phước cho biết: Để cây lúa vụ Mùa đạt năng suất cao, khi 20 ngày cây lúa bắt đầu phát triển đẻ nhánh ta bỏ phân đợt một gồm u rê và Đầu Trâu TE, qua đợt 45 ngày lúa đón đồng bỏ tiếp Đầu Trâu TE, đến lúc trổ bông sẽ bỏ thêm một đợt phân kali với u rê nữa. Nếu chúng ta bón thiếu phân thì cây lúa không phát triển, èo uột và không có năng suất cao.
Nông dân xã An Phước bón phân theo nguyên tắc "4 đúng" cho cây lúa
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo nông dân, khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo đúng liều lượng và chủng loại nhằm mục đích quản lý tốt các loại sâu, bệnh gây hại cho cây lúa nhưng sẽ bảo vệ các con thiên địch khống chế lại những côn trùng gây hại, đồng thời bảo vệ cả môi trường nước. Về bón phân, nông dân cũng phải đảm bảo đúng liều lượng để cây lúa không bị ngộ độc, ngã đổ, dễ phát sinh dịch bệnh. Lúa Mùa nếu chăm sóc tốt có thể đạt năng suất từ 6-7 tấn/1 ha. Bà Trần Thị Vân-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thành cho biết thêm.
Hiện tại, chỉ có một số ít diện tích lúa trên địa bàn huyện bị nhiễm nhẹ các bệnh: Đạo ôn, bạc lá ... Công tác phòng trừ các loại sâu, bệnh trên cây lúa sẽ tiếp tục được nông dân chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để có mùa vụ đạt năng suất và lợi nhuận cao.