Thời điểm này, nông dân xã Long Phước, huyện Long Thành đang tất bật thu hoạch lúa vụ Mùa năm 2024. Nếu như những năm trước đây, thu hoạch chủ yếu nhờ nhân công, giờ đây việc ứng dụng cơ giới hóa vào toàn bộ các khâu thu hoạch, vận chuyển lúa đã giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và tăng thêm nhiều lợi nhuận cho bà con.
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Long Phước
Theo ông Nguyễn Thanh Phương là nông dân trồng lúa lâu năm ở xã Long Phước cho biết, cách đây hơn 10 năm, mỗi khi đến kỳ thu hoạch các chủ ruộng phải thuê mướn nhiều nhân lực thực hiện các công đoạn: Gặt, đập hay suốt lúa, đóng bao vất vả, tốn kém, bản thân chủ ruộng cũng phải trực tiếp tham gia thu hoạch. Song từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, nông dân trên địa bàn xã được tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong các khâu sản xuất, đặc biệt là khâu thu hoạch lúa. Ông Nguyễn Thanh Phương-Nông dân trồng lúa xã Long Phước phấn khởi nói: Hiện bây giờ, máy liên hợp gặt đập nó có lợi thế như thế này, nếu mà so với nhân công ngày xưa, ngày xưa diện tích của tôi 2,5 ha làm thời gian mất hết 2 ngày, còn bây giờ làm ngắn gọn chỉ có 1 buổi là xong ngay. Nếu ngày xưa, làm trong 1 ha cần khoảng 10 nhân công, còn bây giờ sử dụng máy gặt đập liên hợp rất có lợi cho bà con nông dân mình và không phải thuê nhân công nữa, tất cả đều là máy móc hết.
Máy vận chuyển lúa thu hoạch từ ruộng lên bờ
Không chỉ tiết giảm chi phí, sử dụng máy gặt đập liên hợp khép kín còn giúp nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch với việc hạn chế tối đa lúa rơi vãi, cũng như giúp thu hoạch nhanh để kịp làm đất, dẫn nước, xuống giống vụ lúa kế tiếp được đồng loạt nhằm né rầy nâu di trú gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, đây là 2 loại bệnh sẽ gây thiệt hại rất nặng cho cây lúa dẫn tới mất mùa. Ngoài ra, trước đây rơm thường không được chủ ruộng quan tâm sau thu hoạch, nhưng giờ đây sử dụng thiết bị cuộn rơm lắp vào đầu máy kéo đã giúp bà con có thêm lợi nhuận. Ông Phạm Văn Phích-Nông dân trồng lúa xã Long Phước cho biết: Máy gặt đập liên hợp giờ làm rất khỏe, lúa ngã đổ đều quào lên được hết, còn ngày xưa thu hoạch bằng thủ công bị thất thoát chắc khoảng 10%. Do mình cắt, gom, xong đưa lên máy phóng, làm thủ công mà nên lúa đổ tùm lum. Còn cái rơm ngày xưa mình thu hoạch xong bỏ, giờ có máy vô đồng cuộn rơm hết, 1 ha kiếm cũng được 800 ngàn hay 1 triệu đồng tùy rơm xấu hay tốt.
Máy cuộn rơm giúp nông dân có thêm thu nhập phụ
Ngày xưa, nông dân làm ruộng toàn dùng sức lao động và trâu, bò để cày, kéo, đến khi thu hoạch thì nông dân sử dụng nhân công để cắt, tuốt lúa nên chi phí rất cao. Còn bây giờ, bà con nông dân sử dụng bằng cơ giới hóa từ khâu cày, làm đất, đến khi thu hoạch và kéo lúa lên bờ đều làm toàn bộ bằng máy. Hiện tại, trên cánh đồng lúa có khoảng 6 cái máy gặt đập liên hợp, 8 cái máy kéo để di chuyển toàn bộ lúa của bà con từ ruộng lên bờ. Ông Quảng Đình Nghĩa-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết thêm.
Có thể nói, việc nông dân trồng lúa trên địa bàn xã Long Phước thực hiện cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, đã góp phần giúp cho ngành nông nghiệp của huyện được phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại. Những ngày này, trên các cánh đồng, các loại máy nông nghiệp vẫn đang tất bật thu hoạch lúa Mùa để kịp xuống vụ Đông Xuân 2024-2025.