Thời tiết đang bước vào mùa khô, nhu cầu về tưới tiêu cho cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 cũng gia tăng. Nên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện huyện Long Thành đã triển khai nhiều giải pháp cho nông dân ứng phó với tình hình khô hạn, nhằm đảm bảo tất cả các loại cây trồng đều phát triển xanh tốt cho năng suất, nhất là những diện tích canh tác xa hồ, đập thủy lợi hoặc nằm ở khu vực đất cao.
Kênh dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa xã Long Phước
Theo đó, bước vào vụ Đông Xuân, Hội Nông dân các xã đã hướng dẫn nông dân thực hiện gia cố bờ bao, nạo vét kênh, mương nội đồng, sử dụng nguồn nước tưới phù hợp. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi những diện tích trồng lúa có nguồn nước thủy lợi yếu, đất ruộng pha cát sang trồng bắp và các loại hoa màu như: Củ sắn, dưa gang, dưa hấu, bí đao, khoai lang … với khoảng 150 ha để thích ứng với tình hình thời tiết khô hạn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa.
Bà Trần Thị Vân-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thành cho biết: Việc chuyển đổi từ lúa sang trồng hoa màu trong vụ Đông Xuân sẽ tiết kiệm được nguồn nước tưới trong tình hình khô hạn kéo dài sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, trồng hoa màu còn giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, đặc biệt là cải tạo đất, làm cho đất tươi xốp hơn và tạo được nguồn hữu cơ cho đất, tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh sót lại như: Rầy nâu, bệnh đạo ôn, đốm vằn và một số bệnh khác, cũng như hạn chế được cỏ trong nền đất khi trồng tiếp lúa vụ Hè-Thu.
Nông dân xã Long An chuyển đổi đất ruộng pha cát sang trồng hoa màu
Đối với các diện tích trồng cây ăn trái, rau ăn lá, hồ tiêu ... chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan, trong khi nguồn nước ngầm đang ngày càng trở nên cạn kiệt do sự khai thác quá mức của con người và tình hình biến đổi khí hậu. Nên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng khuyến khích nông dân đẩy mạnh lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho các diện tích cây trồng. Mô hình này đảm bảo lượng nước tưới tiêu ổn định giúp cây dễ hấp thụ phân bón, sinh trưởng mạnh, đạt năng suất cao mà không gây lãng phí hay thiếu hụt nguồn nước, nhất là ở những khu vực khô cằn. Ông Vũ Đức Thi-Hộ trồng rau ở khu Văn Hải, thị trấn Long Thành phấn khởi nói: Tôi tưới kiểu truyền thống thì một tháng hết khoảng 7-8 trăm ngàn tiền điện, còn tưới nước kiểu tiết kiệm thì tôi sẽ giảm được một nửa tiền điện, không bị dập rau, giảm được nhân công, giảm được thời gian, tiết kiệm nguồn nước, phân và đất không bị trôi đi. Tôi tưới với thời gian rất nhanh và cây rau phát triển rất đẹp.
Áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm mang lại nhiều lợi ích cho ông Thi
Mô hình tưới nước tiết kiệm có 4 loại: Tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới ngầm và tưới sủi. Qua khảo sát thực tế thì nông dân trên địa bàn huyện Long Thành đa số áp dụng kiểu tưới phun mưa. Tuy ban đầu vốn chi phí lắp đặt thiết bị khá cao nhưng về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả rất lớn như: Tiết kiệm nước, công, phân bón cho cây trồng cũng dễ hấp thụ hơn. Nên trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thành sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân áp dụng rộng rãi mô hình này trong mùa khô. Bà Trần Thị Vân-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Long Thành cho biết thêm.
Có thể nói, việc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp triển khai nhiều giải pháp cho nông dân ứng phó hiệu quả với tình hình khô hạn trong vụ Đông Xuân là rất cần thiết. Bởi biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của người nông dân và đe dọa an ninh lương thực.