Một câu bình luận dưới đoạn video những chiếc tiêm kích SU-30 lượn vòng trên bầu trời tập luyện cho cuộc diễu binh mừng Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước khiến tôi sững lại. Tiếng động cơ ấy hoà cùng âm thanh reo hò, vậy mà lại đánh thức trong tôi cả một dòng cảm xúc - về hiện tại, về lịch sử, và về một thế hệ trẻ đang lớn lên trong hòa bình nhưng chưa bao giờ quên quá khứ.
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng đẹp nhất của đất nước. Năm mươi năm sau ngày thống nhất, không còn tiếng bom rơi, đạn nổ, không còn những chia lìa, tang tóc. Nhưng kỳ lạ thay, chính trong sự yên bình ấy, tôi lại cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tinh thần yêu nước - từ những điều rất đỗi đời thường, giản dị của giới trẻ.
Tôi đã từng lo ngại: Khi chiến tranh chỉ còn là vài trang sách, vài thước phim, liệu giới trẻ có còn nhớ? Nhưng rồi, mỗi dịp lễ lớn, khi mạng xã hội lại tràn ngập cờ đỏ sao vàng, khi những bản nhạc đỏ hào hùng khích lệ quân ta ra trận ngày ấy vang lên trong video ghép chậm đầy cảm xúc, tôi hiểu: Tình yêu nước chưa từng biến mất, chỉ là đang được thể hiện bằng một cách khác - gần gũi hơn, hiện đại hơn, nhưng không kém phần sâu sắc. 

Rất nhiều video clip với chủ đề yêu nước được đăng tải trên nền tảng Tiktok
bởi các nhà sáng tạo nội dung trẻ (Ảnh: Internet)
Có một thế hệ trẻ đã chọn yêu nước bằng chính đam mê của mình. Có cộng đồng người dùng 80.000 điểm ảnh (pixel) vẽ nên lá cờ Việt Nam cùng Hoàng Sa, Trường Sa trên sự kiện trực tuyến quốc tế và thay phiên nhau giữ bức tranh không bị phá hoại đến tận giây phút cuối cùng. Có nhóm bạn trẻ mang trang phục truyền thống đi diễu hành để quảng bá đến khắp năm châu rằng trang phục đất nước tôi đẹp thế nào. Có sinh viên âm thầm giúp những gia đình cách mạng phục dựng ảnh liệt sĩ, hay lập ra kênh YouTube dạy lịch sử bằng hoạt hình. Họ không bắt buộc phải làm điều đó - nhưng họ tự chọn làm, bởi trong họ, tình yêu với đất nước không đến từ khẩu hiệu, mà từ sự thấu hiểu: rằng muốn giữ gìn tương lai, thì phải biết trân quý quá khứ.

Cộng đồng mạng Việt Nam đồng lòng vẽ bức tranh bản đồ Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa nổi bật được ghép lại từ 80.000 pixel. (Ảnh: Internet)
Tôi từng hỏi một cô sinh viên năm nhất ngành Sư phạm Lịch sử, vì sao em chọn nghề này. Em trả lời nhẹ nhàng: “Vì em muốn học sinh biết rằng, để được mặc đồng phục trắng tinh mỗi ngày, đã có biết bao bộ quân phục phải nhuộm màu máu đỏ." Một câu nói ngắn thôi, nhưng như bóc tách cả một lớp sâu sắc của lòng yêu nước - lặng thầm nhưng vững vàng, khiêm nhường nhưng không hề mờ nhạt.

Hàng trăm người mặc cổ phục Việt Nam diễu hành trên các phố lớn Thủ đô
trong sự kiện “Bách Hoa Bộ Hành" (Ảnh: Internet)
Trong dòng chảy xô bồ của hiện đại, vẫn có một lớp người trẻ đang điềm tĩnh gìn giữ ký ức dân tộc. Không phải để hoài niệm, mà để truyền lửa - để những giá trị xưa không bị vùi lấp giữa thời đại số, mà sống lại bằng chính công cụ của thời đại này.
Và thật may mắn làm sao, khi Việt Nam - một đất nước từng đứng lên từ những cuộc chiến khốc liệt - giờ đây có thể tự hào về thế hệ trẻ như thế. Một thế hệ biết trân trọng hòa bình, am hiểu lịch sử, yêu nước nồng nàn và đặc biệt, biết giữ nước. Biết rằng giữ nước không chỉ là canh giữ biên cương, mà còn là giữ gìn từng nét văn hóa, từng ngôn ngữ, từng phong tục - để không một dân tộc nào có thể đồng hóa, không một cường quốc nào có thể xâm lăng từ bên trong.

Hành động của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã lặng lẽ khẳng định một điều: “Việt Nam sẽ không có những cuộc Cách mạng màu." Bởi vì họ yêu nước, yêu dân tộc một cách tỉnh táo và sâu sắc. Họ biết phân biệt giữa thay đổi để tốt hơn và phá vỡ những điều cần được gìn giữ. Họ sẵn sàng lên tiếng vì Hoàng Sa - Trường Sa, cũng sẵn lòng học hành, đưa lá cờ Việt Nam ra đấu trường quốc tế, làm phim tuyên truyền lịch sử, vẽ tranh cổ vũ tinh thần dân tộc, hay ngày ngày bồi dưỡng thêm hiểu biết, bản lĩnh chính trị và lòng yêu nước nồng nàn. Họ mang quốc kỳ đi khắp năm châu nhưng vẫn đội khăn rằn, mặc áo dài, và thì thầm với nhau rằng: “Nếu có kiếp sau, mình vẫn là người Việt Nam nhé!"
Với họ, yêu nước không phải là điều gì lớn lao, mà đôi khi chỉ là một bài viết, một bức ảnh đại diện góp phần “phủ đỏ" mạng xã hội dịp đất nước mừng đại lễ, hay một đoạn phim, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về lịch sử dựng nước, giữ nước không thể nào quên. Khi tiếng máy bay rền vang trên bầu trời, họ không chạy trốn, không sợ hãi, mà mỉm cười - bởi họ hiểu để có tiếng tiêm kích rền vang giữa tiếng vỗ tay hân hoan của Nhân dân ngày hôm nay, thì trong quá khứ, đã có triệu triệu con người ngã xuống dưới bom đạn nơi máy bay quân thù. Hòa bình là món quà từ quá khứ và cũng là trách nhiệm của tương lai. Và thế hệ trẻ hôm nay - bằng chính cách sống của mình - đang giữ gìn món quà ấy như một lời hứa: rằng Việt Nam sẽ mãi là Việt Nam - độc lập, tự do, hạnh phúc.