Nói về vấn đề sức khỏe. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe của nhân dân và xem đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của mọi công việc. Người cho rằng, sức khoẻ của mỗi người dân là một bộ phận hợp thành sức khoẻ của xã hội, cho nên muốn phát triển sức khoẻ cho một xã hội nói chung thì phải bắt đầu từ việc chăm sóc sức khoẻ cho từng người dân.

Ảnh minh họa
Nhằm mục đích tăng độ bao phủ người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đạt trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế như Nghị quyết của Đảng bộ đã đề ra. Từ đầu năm 2025, UBND xã Cẩm Đường đã tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện tới các tầng lớp nhân dân, giúp người dân tới gần hơn, hiểu hơn về các quyền lợi khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Từ đó, đưa ra những giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện như sau:
Một là, thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHYT. Cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, đồng thời phải có giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT. Đặc biệt là công tác truyền thông về chính sách BHYT, để làm sao thay đổi hẳn về nhận thức của người dân, sao cho mỗi người dân thật sự có tư tưởng dự phòng về sức khỏe, có tư tưởng vì cộng đồng, mình vì mọi người trong công tác chăm sóc sức khỏe, từ đó tự giác tham gia BHYT.
Hai là, thay đổi cơ chế chính sách, sao cho quyền lợi của người dân tham gia BHYT được đảm bảo và minh bạch hơn. Đó là việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công khai, minh bạch các quyền lợi mà người bệnh đã được hưởng kể cả trong thời gian điều trị hoặc sau khi đã ra viện... Nghiên cứu việc công khai các nội dung chi mà người bệnh được hưởng, thanh toán với cơ quan BHXH và mức đóng BHYT hàng tháng, hàng năm, gửi đến từng người bệnh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính trong BHYT, nhất là phương thức chi trả BHYT cũng cần được đổi mới, theo hướng thanh toán theo phí định xuất sao cho phù hợp với khả năng đáp ứng của các cơ sở khám chữa bệnh từng địa phương; nghiên cứu áp dụng mức giá thanh toán theo ca bệnh từ đó góp phần cho các cơ sở khám chữa bệnh đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT mặt khác đảm bảo cân đối thu chi quỹ BHYT.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách BHYT ở các cơ sở KCB, các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH. Qua đó ngăn chặn những hành vi lạm dụng, trốn đóng BHYT, đồng thời tiếp thu những kiến nghị trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách BHYT cũng như việc tổ chức thực hiện chính sách này. Có như vậy việc mới đảm bảo tính bền vững và liên tục, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đặt ra mới sớm trở thành hiện thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bốn là, nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là nhóm giải pháp quan trọng, có yếu tố quyết định đến việc chuyển đổi nhận thức sang hành vi “mua thẻ BHYT" được hưởng các quyền lợi thiết thực khi ốm đau phải khám chữa bệnh BHYT. Từ đó họ sẽ tham gia hoặc tiếp tục tham gia để đảm bảo duy trì và phát triển số người tham gia BHYT một cách bền vững.
Năm là, trong xây dựng NTM và đặc biệt là tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong xây dựng NTM, trước hết chính quyền ở địa phương cần xác định việc vận động nhân dân tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác an sinh xã hội địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT cần thiết phải gắn liền trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Sáu là, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện tuyên truyền BHXH theo từng giai đoạn. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền chính sách. Chủ động tổng hợp, kiểm soát thông tin, dư luận xã hội về chính sách BHXH; kịp thời xử lý các thông tin sai lệch trên thẻ BHYT hộ gia đình, Sổ BHXH tự nguyện cho nếu có thông tin chưa đúng với các giấy tờ thông tin cá nhân.
Có thể nói, việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện mang lại nhiều lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội quan trọng, giúp người dân bảo vệ sức khỏe và tài chính của mình. Việc tham gia BHYT là một hành động thiết thực để xây dựng một xã hội lành mạnh và phát triển.