Những năm qua, cùng với nâng cấp, xây mới các cơ sở trường học theo chuẩn Quốc gia, hoạt động thư viện tại các trường cũng được quan tâm với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Trong đó, mô hình "Thư viện xanh" đã phát huy tính hiệu quả, khi tạo ra không gian thoáng mát nhiều cây xanh thu hút đông đảo học sinh tìm đến đọc sách hơn trước. Ghi nhận tại huyện Long Thành.
Tận dụng hành lang kết nối văn phòng làm việc với hội trường rộng rãi và có nhiều hoa, cây xanh, mái che, Ban giám hiệu Trường THCS Tân Hiệp ở xã Tân Hiệp đã bố trí thêm 4 bộ bàn ghế, tranh ảnh và một kệ với hơn 200 đầu sách, ấn phẩm bao gồm các thể loại: Văn hóa, lịch sử, đời sống, kiến thức pháp luật … tạo thành Thư viện xanh với không gian đọc sách thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Kết quả, từ khi đưa vào hoạt động, Thư viện xanh luôn thu hút rất đông học sinh tham gia đọc sách mỗi ngày.
Mô hình "Thư viện xanh" của Trường THCS Tân Hiệp
Em Đặng Minh Thư-Học sinh Lớp 7/1 Trường THCS Tân Hiệp phấn khởi nói: Trước đây, trong không gian thư viện tù túng, chật hẹp làm cho cảm giác khi em đọc sách không tiếp thu được nhiều kiến thức mới. Còn khi nhà trường mở ra Thư viện xanh thì cảm giác không khí trong lành, có tiếng nhạc du dương và hoa, lá đã giúp em vá các bạn dễ tiếp thu hơn. Từ đó, em càng ngày đam mê đọc sách hơn. Em Mai Trung Hiếu-Học sinh Lớp 7/2 Trường THCS Tân Hiệp chia sẽ: Từ khi nhà trường mở Thư viện xanh đến nay, em thường xuyên đến đọc sách trong giờ ra chơi tầm khoảng 15 phút, cũng như những lúc rãnh rỗi sau giờ học em cũng đến đọc sách để tiếp thu những kiến thức, tìm hiểu thêm nhiều về lịch sử, về các tác phẩm văn học hay là đời sống để giúp ích cho việc học của em đạt kết quả tốt hơn trong năm học này.
Góc thư viện với đầu sách, ấn phẩm bao gồm các thể loại
Cô Trần Thị Mỹ–Hiệu Phó Trường THCS Tân Hiệp ở xã Tân Hiệp cho biết: Nhà trường mở ra Thư viện xanh, nhằm mục đích xây dựng văn hóa đọc sách trong trường học, giúp học sinh đến thư viện đọc sách nhiều hơn và các em cũng nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Đồng thời hạn chế được thời gian các em lên mạng internet, sử dụng điện thoại và qua những kiến thức mà các em đã đọc được sẽ giúp ích cho việc học tập, phát triển năng lực bản thân. Đến nay, đã có nhiều trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện triển khai mô hình "Thư viện xanh". Tùy theo tình hình thực tế, các trường sẽ thực hiện mô hình phù hợp với cảnh quang môi trường như: Ngồi đọc sách dưới các tán cây, thiết kế nhà lưới hay khu vực hành lang với không gian thông thoáng và trồng nhiều cây xanh, hoa cảnh ... Để tránh nhàm chán, hàng tuần, các trường đều tiến hành luân chuyển sách, truyện từ thư viện trung tâm đến các kệ sách Thư viện xanh để cho học sinh được đọc nhiều thể loại hơn.
Thư viện xanh Trường THCS Tân Hiệp luôn thu hút đông học sinh đến đọc sách
Toàn huyện có 38 trường Tiểu học và THCS, đến thời điểm này đã có hơn 20 trường thực hiện mô hình “Thư viện xanh". Tùy theo tình hình thực tế, các trường sẽ linh động áp dụng mô hình này, chứ không làm theo kiểu rập khuôn. Thời gian tới, những trường còn lại cũng sẽ cố gắng triển khai mô hình“Thư viện xanh" nhằm giúp các em học sinh được đọc sách, tìm hiểu kiến thức. Các trường cũng sẽ thực hiện luân chuyển, vận động thêm các đầu sách mới, để các em không bị nhàm chán và ngày càng ham đọc sách, bỗ trợ cho việc học đạt kết quả tốt hơn. Ông Lê Đăng Ngọ-Chuyên viên Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Long Thành cho biết thêm.
Có thể nói, mô hình “Thư viện xanh" không chỉ khơi dậy niềm đam mê, ham đọc sách cho học sinh mà còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh để các em “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.