Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Thành đã phối hợp với hệ thống các hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Qua đó, đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.
Giải ngân vốn Chính sách xã hội cho người dân xã Tân Hiệp
Thời gian trước, gia đình ông Trần Văn Bảo ở ấp 3, xã Tân Hiệp có cuộc sống hết sức khó khăn, bởi đồng lương công nhân của ông không đủ trang trãi cho các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình. Năm 2017, ông Bảo được địa phương hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Đến nay không chỉ hoàn trả hết số vốn vay ban đầu, gia đình ông còn sở hữu cửa hàng tạp hóa với lượng hàng bày bán trị giá hàng trăm triệu đồng, kinh tế gia đình trở nên khấm khá hơn trước. Ông Trần Văn Bảo – Người dân ấp 3, xã Tân Hiệp phấn khởi nói: Nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội cho tôi vay được 30 triệu đồng, tuy số tiền nó không lớn nhưng đã giúp cho tôi có điều kiện ban đầu để khởi nghiệp kinh doanh. Cũng do vốn ít nên ban đầu tôi chỉ bán một số mặt hàng thật sự thiết yếu, nhưng nhờ mình vui vẻ cởi mở nên khách hàng ngày càng đông, tiệm tạp hóa cũng phát triển dần lên. Hiện tại, mỗi tháng gia đình có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, cuộc sống được sung túc, không còn khó khăn như ngày xưa nữa.

Cửa hàng tạp hóa của ông Trần Văn Bảo
Ông Đỗ Chánh Huy-Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: Khi mà các hộ nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ban giảm nghèo xã sẽ phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất chăn nuôi và trồng trọt cho bà con, đối với những hộ có nhu cầu vay vốn mà không có đất sản xuất hoặc chưa xác định rõ mục đích thì cũng sẽ được tư vấn, định hướng làm ăn cơ bản và thiết thực. Sau đó, Ban giảm nghèo xã sẽ thường xuyên đến kiểm tra xem các hộ sử dụng vốn đúng mục đích không, nhằm đảm bảo sinh lợi nhuận cho bà con, cũng như thoát nghèo một cách bền vững.
Được biết trong những năm qua, với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế gia đình, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Thành đã luôn chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác nắm danh sách các đối tượng có nhu cầu vay vốn, từ đó giải ngân kịp thời nguồn vốn thông qua hệ thống 230 tổ tiết kiệm và vay vốn. Chỉ riêng năm 2024, Phòng giao dịch đã giải ngân vốn vay gần 147 tỷ đồng cho 3.350 lượt khách hàng (Bình quân 44 triệu đồng /hộ); tổng dư nợ đến cuối năm đạt hơn 485 tỷ đồng với 11 chương trình cho vay, tăng hơn 60 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Thành triển khai nhiệm vụ năm 2025
Trong năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện và Phòng Tài chính-Kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với vốn tín dụng chính sách. Trong đó, tham mưu triển khai Chỉ thị 139 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tiếp tục triển khai cho vay theo định hướng của Ngân hàng chính sách cấp trên giao, tiếp tục phối hợp với các cơ sở ủy thác nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện, hướng phấn đấu là tăng trưởng 14% và nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách đạt 100% kế hoạch được giao. Ông Trần Thanh Trường-Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Thành cho biết thêm.
Có thể nói, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đã và đang là đòn bẩy kinh tế quan trọng để huyện Long Thành thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Tính đến cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 75 hộ.