Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện video clip học sinh ở các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành trên cả nước đánh nhau ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường. Những hành vi này đã gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân. Trước thực trạng trên, huyện Long Thành đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực và phù hợp nhằm đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường; góp phần đem đến môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các em học sinh.


Bạo lực học đường vẫn âm thầm diễn ra trong đời sống xã hội( Ảnh sưu tầm)
Toàn huyện Long Thành có 60 cơ sở giáo dục công lập gồm 04 trường THPT, 16 trường THCS, 22 trường tiểu học, 18 trường Mẫu giáo- Mầm non và 118 cơ sở giáo dục ngoài công lập gồm 09 trường mầm non, 100 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; 5 trường tiểu học; 4 trường THCS. Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục, thời gian qua, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đã được các cơ quan ban ngành, đoàn thể, UBND các xã thị trấn trên địa bàn huyện tích cực thực hiện thông qua các hình thức như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức về các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cho học sinh; tuyên truyền giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng ngừa nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại, bị tai nạn, thương tích; quản lý, tuyên truyền, ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử trong học sinh.
Bên cạnh đó, để công tác phòng chống bạo lực học đường đi vào thực chất hơn, các trường THPT, THCS trên địa bàn huyện đã tích cực tổ chức phiên tòa giả định để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phòng chống bạo học đường cho học sinh. Theo đó, dựa trên các vụ án có thật được các em học sinh tái hiện lại qua một tiểu phẩm ngắn; đồng thời trực tiếp được tham dự quá trình xét hỏi, tranh luận và tuyên án tại phiên tòa. Đây được xem như một hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật rất sinh động, dễ dàng tiếp cận, qua đó giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là việc phòng chống bạo lực học đường. Ngoài ra, các trường còn tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, buổi học ngoại khóa, các cuộc thi liên quan đến phòng chống bạo lực học đường nhằm xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, giúp các em học sinh tự trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng cần thiết phòng chống bạo lực học đường.


Phiên tòa giả định được tổ chức nhằm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho các em trường THPT Long Thành






Thời gian qua, trường THCS Nguyễn Đức Ứng luôn quan tâm tạo ra các sân chơi bổ ích, buổi học ngoại khóa, các cuộc thi liên quan đến phòng chống bạo lực học đường
Thầy Lê Thanh Hy- Tổng phụ trách Đội- Trường trường THCS Nguyễn Đức Ứng cho rằng : “Học sinh ở lứa tuổi này rất thích thể hiện, muốn khẳng định bản thân, vì vậy khi định hướng cho học sinh, chúng tôi phải linh hoạt tuyên truyền bằng nhiều hình thức như sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt dưới cờ, tích hợp trong các môn học; qua các buổi giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền giúp các em hiểu được những thông tin hữu ích về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; cách phòng, chống bạo lực học đường và hậu quả của bạo lực học đường. Chúng tôi cũng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm trong công tác tư vấn, thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm sự, đề xuất của học sinh, các thầy, cô giáo có lời khuyên bổ ích trong việc hóa giải những mâu thuẫn".
Trên cơ sở văn bản số 1527/SGDĐT- VP ngày 03 tháng 4 năm 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 02/CTTTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mới đây, UBND huyện Long Thành đã giao Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của gia đình trong nuôi, dạy và quản lý con cái; xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn khai thác sử dụng các thiết chế về văn hóa, xây dựng môi trường sống trong cộng đồng nhằm tăng cường hoạt động thể chất, văn hóa, giải trí lành mạnh cho học sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng ngừa nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại, bị tai nạn, thương tích; quản lý, tuyên truyền, ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử trong học sinh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, cô Tân Hương Huê- Chuyên viên Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 02/CTTTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, thì về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện nghiêm túc Thông tư số 18/2023/TTBGDĐT ngày 26/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên đầu tư nguồn lực, kinh phí và chịu trách nhiệm trong công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích đối với các nhà trường thuộc phạm vi quản lý; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, quản lý học sinh, nhất là ngoài giờ học, ngoài môi trường học đường; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, xử lý".

Nói không với bạo lực, để xây dựng tình bạn bền vững
Có thể nói, để phòng chống, đẩy lùi và từng bước xóa bỏ bạo lực học đường trên đạt hiệu quả, thiết nghĩ bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự đồng hành của nhà trường và xã hội thì vai trò, trách nhiệm của gia đình được xem là yếu tố rất quan trọng vì gia đình được xem là cái nôi đầu tiên, gần gũi nhất về giáo dục nhân cách, hành vi cho mỗi cá nhân từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành.

Gia đình là nơi hình thành nhân cách đầu tiên cho trẻ (Ảnh sưu tầm)
Chị Phạm Phương Mỹ có con theo học trường THCS Long Thành cho biết: “Theo tôi, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, cách ứng xử cho các con noi theo. Đồng thời, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con, lắng nghe, kịp thời phân tích, chấn chỉnh suy nghĩ, hành động sai trái liên quan đến bạo lực học đường. Riêng bản thân tôi, mặc dù bận rộn công việc, nhưng tôi luôn quan tâm hỏi han việc học hành, các mối quan hệ bạn bè của con. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm thông tin con học tập tại trường để qua đó kịp thời có hướng chấn chỉnh cho con để con được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần"
Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng với vai trò trách nhiệm của gia đình và Nhà trường, công tác phòng ngừa bạo lực học đường trên địa bàn huyện Long Thành sẽ gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh và thân thiện; đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi để các em học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.